Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Xu hướng mới nhất trong thị trường bàn phím cơ hiện nay là các sản phẩm có switch thế hệ mới kích hoạt bằng nam châm, từ đó có thể 'di chuyển' được điểm nhận phím một cách linh hoạt. Một vài ngày trước, chúng tôi cũng đã được trải nghiệm một sản phẩm như vậy từ Razer là chiếc Huntsman V3 Pro.
Hôm nay, chúng ta lại có một sản phẩm với tính năng tương tự mang tên DrunkDeer G65. Bên cạnh công nghệ được trang bị, chiếc bàn phím cũng thu hút được sự chú ý của tôi vì... tên hãng rất lạ: DrunkDeer hay Hươu say rượu!
Hộp của phím có tông đen chủ đạo, với tên hãng, hình thiết kế cách điệu của phím cũng như dòng slogan "Giải phóng tiềm năng của bạn".
Những thương hiệu từ Trung Quốc rất hay gặp lỗi chính tả tiếng Anh trên sản phẩm của mình. Trên vỏ của DrunkDeer G65 có cụm "Break you limit" rất khó hiểu! Rất mong trong các phiên bản tiếp theo hãng sẽ có thể sửa những lỗi này, dù nhỏ nhưng cũng khá buồn cười!
Điểm tôi đánh giá cao đó là hãng in trực tiếp hệ thống phím tắt của phím lên lớp đáy của hộp, chỉ cần lấy sản phẩm lên là ta đã thấy ngay.
Bộ phụ kiện của DrunkDeer có cây lấy keycap, dây kết nối USB-C - USB-A được bện vải cùng 2 switch Hall Effect - loại switch được sử dụng trên bàn phím này.
Cái tên của sản phẩm đã nói lên nhiều về nó rồi: chữ G đại diện cho Gaming (đây là một bàn phím hướng tới game thủ) còn số 65 là chỉ kích thước của phím. Giống như bàn phím Cherry MX-LP 2.1 mà chúng tôi trải nghiệm lần trước, kích thước 65% của DrunkDeer G65 sẽ gây bất tiện với những bạn chơi game MOBA như DOTA, League of Legends thường xuyên phải sử dụng hàng Function, vì ta sẽ phải nhấn tổ hợp phím Fn + số tương ứng.
Ngược lại, với nhu cầu sử dụng hàng ngày và các game không dùng tới hãng Function thì người dùng hoàn toàn có thể sử dụng bàn phím 65% như DrunkDeer G65 hay Cherry MX-LP 2.1 mà không gặp vấn đề gì lớn.
Nhìn trên ảnh tôi tưởng rằng phím có màu đen, nhưng trên thực tế lớp vỏ cũng như keycap của G65 ngả về màu xám và ánh nâu hơn là đen.
Phím có 3 nút là Esc, Spacebar và Enter được làm màu đỏ tươi để nổi bật lên hẳn so với những keycap xung quanh. Có những keycap màu khác cũng 'phá' được sự đồng nhất trong thiết kế của phím, khiến nó nhìn bớt nhàm chán hơn.
Keycap mà DrunkDeer sử dụng có kiểu dáng là OEM cao hơn chuẩn Cherry 1 chút, được làm bằng nhựa PBT double-shot nên có độ bền cao, không bóng theo thời gian. Lớp chữ được làm bằng nhựa trong suốt vì phím có đèn LED phía dưới, nhưng cũng có nhược điểm nhỏ là sẽ khó nhìn hơn chữ màu trắng nếu không bật đèn (dùng ban ngày).
Lớp vỏ ngoài của phím được làm bằng nhựa, khá dày dặn để không tạo cảm giác 'ọp ẹp'. Các góc được bo tròn nhẹ, ngoài ra cũng không có chi tiết trang trí gì quá bắt mắt cả.
Cổng kết nối USB Type-C được đặt ở phía trái cạnh sau, trong một lỗ khoét hình tròn nho nhỏ.
Bên cạnh hệ thống switch nam châm Hall Effect, DrunkDeer G65 còn có một tính năng đặc biệt nữa là 'nhún'! Phần chân của phím được làm bằng nhựa mềm, nên có thể nhún lên xuống để tạo cảm giác gõ phím êm ái hơn.
Đây là một thiết kế mà tôi cho là rất thông minh. Những bộ bàn phím cơ cao cấp hiện nay thường sử dụng foam, lò xo, cao su ở bên trong để thực hiện điều này. DrunkDeer thì có thiết kế bên trong cơ bản hơn (mạch, tấm plate được bắt ốc trực tiếp vào vỏ) nên việc thêm thiết kế 'chân nhún' bên ngoài cũng sẽ thực hiện được nhiệm vụ tương tự.
Đây là phím sau khi 'lên đèn'! Switch có vỏ trong suốt, tấm plate cũng được làm bằng kim loại sơn trắng nên ánh sáng từ đèn LED lan tỏa khá đều và sáng. Trong ứng dụng chúng tôi đếm được tới 16 hiệu ứng đèn khác nhau, ta cũng có thể điều chỉnh được màu, độ sáng và tốc độ hiệu ứng.
Giống như những bàn phím thế hệ mới, DrunkDeer G65 sử dụng hệ thống cân bằng phím Cherry và cũng đã được cân chỉnh để không tạo ra tiếng 'lọc xọc'.
Trở lại với tính năng đáng nói nhất của phím: Phần switch. Đây là switch sử dụng hiện tượng Hall Effect, có khoảng kích hoạt trải dài từ 0.2mm tới 3.8mm. Ở bất cứ điểm nào, switch cũng có thể kích hoạt nên khoảng cách này có thể được điều chỉnh trong phần mềm.
Vậy tại sao phải điều chỉnh vị trí kích hoạt phím làm gì? Khi chơi game các game thủ thường muốn tối ưu hóa tốc độ phản hồi, từ đó tạo lợi thế với đối thủ. Bằng cách đưa điểm kích hoạt lên cao hơn (nông hơn) thì game thủ có thể 'lướt' nhanh qua các phím, không cần phải nhấn xuống tới tận gần với đáy.
Switch có lớp nhựa hình vuông xung quanh chân gắn keycap, nhờ đó mà phím có khả năng kháng nước và bụi IP66.
Để điều chỉnh được vị trí kích hoạt phím ta sẽ truy cập vào phần mềm điều khiển dành cho DrunkDeer G65, chạy trên nền web luôn nên ta không cần phải tải về máy tính. Mỗi phím có thể điều chỉnh một vị trí kích hoạt khác nhau, còn không thì ta có thể chỉnh toàn bộ bàn phím giống nhau cũng được.
Ứng dụng này còn dùng để điều chỉnh hiệu ứng đèn của phím cũng như remap lại vị trí khác phím nếu bạn đã quen với các layout phím khác nhau.
Trải nghiệm đầu tiên của tôi với loại switch này đó là nó rất mượt! Có thiết kế ít thành phần vật lý tiếp xúc với nhau, kèm theo đó là được thêm dầu sẵn nên switch của G65 cho cảm giác gõ không khác gì những switch cơ học cao cấp hiện nay. Tôi đánh giá cao những bộ bàn phím được bôi sẵn dầu cho switch để tạo độ mượt, tránh đi những bước 'DIY' tốn thời gian.
Thử chuyển điểm kích hoạt của phím lên nông nhất (0.2mm), dường như chỉ chạm vào mặt keycap thôi phím đã nhận ký tự rồi! Giống như tiêu đề, ở chế độ này phím có thể dùng 'lướt' như gõ bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng của smartphone hay máy tính bảng.
Thử với tựa game Cyberpunk 2077, mọi thứ đều cho cảm giác nhanh - nhạy hơn so với các bàn phím khác vì ta không cần phải nhấn phím xuống quá sâu, chỉ cần chạm nhẹ là nhân vật đã hành động rồi. Giống với lựa chọn từ Razer, DrunkDeer G65 cũng có tính năng Rapid Trigger dành cho những bạn chơi game phải nhấn 1 phím liên tục.
Ngược lại, với công việc văn phòng thông thường thì tôi lại không thích phím kích hoạt quá nhanh như vậy, vì khi lướt tay từ phím này qua phím khác có thể... chạm nhầm vào 1 phím nào đó ở giữa và thành gõ sai. Cũng không nhất thiết phải chỉnh xuống hẳn 3.8mm, tôi thường nhập liệu, làm việc với DrunkDeer G65 ở ngưỡng 1.5 - 2.5mm, đủ nhanh nhưng hạn chế được hiện tượng gõ nhầm.
Về vấn đề âm thanh, DrunkDeer G65 vẫn là một bàn phím hoàn thiện bằng nhựa nên không thể tạo được âm thanh 'đầm' hẳn như những bộ bàn phím cơ bằng kim loại hay gỗ. Tuy vậy với switch mượt, chân có thể nhún 1 chút để giảm lực nhấn thì G65 cho tiếng gõ nhẹ, âm lượng vừa đủ không làm phiền những người xung quanh khi dùng ở văn phòng.
Với giá bán 3.630.000 Đồng, đây không phải là một lựa chọn 'budget' mà đã chạm tới phân khúc trung cấp của thế giới bàn phím cơ. Nhìn rộng ra thì các bộ bàn phím với switch nam châm đều không hề rẻ, dù sao đây cũng là một công nghệ mới và cũng có cách sử dụng độc đáo hơn so với switch cơ học truyền thống.
Tham khảo thêm về bàn phím DrunkDeer G65:
- Nhà phân phối Phong Cách Xanh
- Shopee
- Tiki