Hè này, một vụ nổ vũ trụ khởi nguồn từ một ngôi sao đang chết sẽ xảy ra. Nó được các nhà khoa học đặt biệt danh là “sự kiện cả đời chỉ có một lần”, và “người trần mắt thịt” chúng ta cũng có thể thấy nó mà không cần tới kính viễn vọng.

Sự kiện vụ nổ tân tinh này diễn ra khi một ngôi sao lùn trắng đột ngột sáng lên, rọi sáng một mảng tối trong bầu trời đêm. Thuật ngữ “sao lùn trắng” được dùng để mô tả một ngôi sao đang ở giai đoạn cuối đời, khi nó đã đốt cạn nhiên liệu và chỉ còn lõi. Kích cỡ của sao lùn trắng tương đương với Trái Đất, nhưng ngôi sao lại có khối lượng tương đương Mặt Trời.

Khác với vụ nổ siêu tân tinh - thuật ngữ mô tả một ngôi sao nổ tung theo đúng nghĩa đen, vụ nổ tân tinh là hiện tượng mà tại đó, một ngôi sao lùn trắng phun một lượng khổng lồ vật chất nó thu được từ một ngôi sao khác. Hành vi này khiến ngôi sao lùn trắng lóe sáng, đến mức chúng ta thấy được nó từ Trái Đất.

Bằng mắt thường, người Trái Đất cũng có thể theo dõi vụ nổ tân tinh "chỉ xảy ra một lần trong đời"- Ảnh 1.

Hình minh họa vụ nổ tân tinh ở một hệ sao đôi.

Đây là sự kiện cả đời chỉ có một lần, sẽ tạo ra rất nhiều những nhà thiên văn học mới, trao cho người trẻ một sự kiện vũ trụ mà họ có thể tự chứng kiến, tự hỏi những câu hỏi mình đặt ra, và tự thu thập dữ liệu cho mình”, Rebekah Hounsell, trợ lý nghiên cứu công tác tại Trung tâm Du hành Không gian Goddard, người có chuyên môn sâu về các vụ nổ tân tinh, nhận định trong tuyên bố chính thức từ NASA.

Nó sẽ tiếp nhiên liệu cho thế hệ các nhà khoa học mới”, bà Hounsell khẳng định.

Dự kiến vào khoảng tháng 9 tới đây, một vụ nổ tân tinh sẽ diễn ra tại khu vực chòm sao Bắc Miện của Dải Ngân hà. Cụ thể, chòm sao này ẩn chứa T Coronae Borealis, có biệt danh là “Ngôi sao Rực lửa - Blaze Star”, là một hệ sao đôi nằm cách chúng ta 3.000 năm ánh sáng.

Hệ sao này chứa một ngôi sao lùn trắng và một ngôi sao khổng lồ đỏ cổ đại, với ngôi sao lùn trắng đang ra sức hút hydro từ ngôi sao khổng lồ đỏ. Lượng khí hydro tích tụ ngày một nhiều trên bề mặt ngôi sao lùn trắng, từ đó áp suất và nhiệt cũng tăng dần lên.

Sau cùng, một vụ nổ nhiệt hạch khổng lồ sẽ diễn ra, bắn văng vật chất ra ngoài vũ trụ và tỏa ra ánh sáng chói lòa. Theo ước tính, ánh sáng từ vụ nổ sẽ tồn tại khoảng 1 tuần.

Cứ khoảng 80 năm, cặp sao sẽ tạo ra vụ nổ lớn như vậy, và chu trình tích tụ hydro lại tái diễn. Theo ước tính của các nhà thiên văn học, chu kỳ nổ tân tinh này có thể kéo dài trong hàng chục, hàng trăm cho đến hàng ngàn năm.

Đoạn video do NASA thực hiện mô tả vụ nổ tân tinh sắp diễn ra - Video: NASA.

Vẫn tồn tại những vụ nổ tân tinh với chu kỳ ngắn, nhưng thường trong một đời người, ta không hay thấy hai vụ nổ liên tiếp, càng ít chứng kiến những vụ nổ xảy ra ngay trong thiên hà địa phương. Quả thực thú vị khi được ngồi ngay bàn một để chứng kiến sự kiện này”, bà Hounsell nói.

Theo thông tin từ NASA, vụ nổ tân tinh của hệ sao đôi này sẽ là sự kiện bùng nổ đầu tiên từ năm 1946 tới nay. NASA khuyến khích các nhà thiên văn học, nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp, hãy đặc biệt để ý tới chòm sao Bắc Miện để bắt được khoảnh khắc hiếm có.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.