Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Ô nhiễm không khí là tác dụng phụ tất yếu của quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa của mỗi quốc gia, khu vực. Thực trạng này đã truyền cảm hứng cho Anirudh Sharma - nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) sáng tạo ra loại mực làm từ không khí ô nhiễm có tên là AIR-INK.
Ô nhiễm không khí toàn cầu
Hiện ô nhiễm không khí trở thành nguy cơ đe dọa tới sức khỏe con người. Thành phần của các chất ô nhiễm trong không khí được chia thành các chất ô nhiễm ở dạng khí và các chất ô nhiễm ở dạng rắn dựa theo hình dạng của chúng.
Các chất ô nhiễm ở dạng khí chủ yếu đến từ các loại khí thải khác nhau do con người thải ra, chẳng hạn như carbon monoxide, sulfur dioxide, oxit nitơ. Chất ô nhiễm ở dạng rắn chủ yếu là các loại vật chất dạng hạt khác nhau, chẳng hạn như bụi hạt mịn PM2.5, dạng hạt có thể hít phải PM10...
Nguồn cảm hứng tạo nên mực AIR-INK
Một lần tình cờ, Anirudh Sharma khi quan sát tro đen tạo ra sau khi đốt nến, anh nhận thấy rằng những chất màu đen này chủ yếu bao gồm các chất carbon, có thể được sử dụng làm sơn. Vì vậy anh đặt ra câu hỏi: “Liệu không khí ô nhiễm có thể biến thành mực được không?”.
Một dự án vô cùng thú vị đã ra đời tại MIT có tên AIR-INK. Sau khi Anirudh Sharma chia sẻ ý tưởng của mình với một số người bạn, có rất nhiều người cùng sự quan tâm với anh.
Sau khi đánh giá, họ thấy rằng phương pháp này khả thi vì nhiều chất gây ô nhiễm không khí chứa lượng lớn chất carbon. Vì vậy, tổ chức Graviky Labs đã ra đời.
Cách làm mực từ không khí ô nhiễm
Sau những thử nghiệm liên tục của các thành viên trong nhóm nghiên cứu và sự hỗ trợ từ MIT, Graviky Labs cuối cùng đã phát minh ra thiết bị tên Kaalink để tham gia vào quá trình sản xuất mực AIR-INK bằng cách hấp thụ ô nhiễm không khí.
Thiết bị Kaalink sẽ được gắn ở những nơi phát sinh các chất ô nhiễm không khí như phần cuối ống xả ô tô, ống khói thoát khí thải… nhằm lọc và thu gom khí carbon chưa cháy hết thải ra từ động cơ đốt trong. Chỉ trong 45 phút, các chất ô nhiễm được thu gom bởi thiết bị Kaalink đủ để tạo ra một cây bút mực.
Thông qua các quy trình chuyên biệt khác nhau, các chất ô nhiễm thu thập được sẽ được loại bỏ kim loại nặng và chất gây ung thư. Sản phẩm cuối cùng là nguyên liệu màu giàu carbon thân thiện với môi trường. Sau khi loại bỏ các chất và tạp chất có hại, hàm lượng carbon có độ tinh khiết cao còn sót lại được sử dụng để tạo ra nhiều loại mực khác nhau.
Ông Anirudh Sharma cho rằng quy trình sản xuất mực của ông và các cộng sự bền vững hơn nhiều so với cách sản xuất mực truyền thống, giúp thu hồi được rất nhiều không khí ô nhiễm, từ đó góp phần giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe của con người.