Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Thoạt nhìn, mặt trăng Mimas của Sao Thổ rất giống công trình Death Star trứ danh trong phim Star Wars. Nhưng trái với “người anh em họ” trên màn bạc, Mimas không sở hữu công nghệ laser hủy diệt hành tinh, mà chứa một đại dương có thể chứa sự sống.
Mimas là một “quả cầu băng” có đường kính 400km, và tương tự với vệ tinh Titan của Sao Thổ, Europa và Ganymede của Sao Mộc, bên dưới lớp băng dày là một lớp nước dày. “Quả thực bất ngờ”, Valéry Lainey, một nhà thiên văn học công tác tại Observatoire de Paris, nhận định. Theo ông, bề mặt của Mimas không hề mang dấu hiệu nào cho thấy một đại dương ngầm bên dưới, nhưng nghiên cứu sâu hơn đã cho thấy điều ngược lại.
Những điểm khác lạ trong quỹ đạo của Mimas chỉ ra hai giả thuyết: một là lõi Mimas là một quả cầu băng khổng lồ, hoặc có một đại dương ẩn dưới lớp băng dày.
Sau khi phân tích hàng ngàn tấm ảnh có được từ sứ mệnh Cassini của NASA, ông Lainey và cộng sự đã dựng thành công mô hình mô phỏng sự quay và quỹ đạo của Mimas. Dữ liệu toán học cho thấy chuyển động của Mimas tương đồng với những quả cầu băng chứa nước biển khác; cụ thể, lớp băng bề mặt của Mimas có những xê dịch rất đặc trưng, cho thấy nó đang “trượt” trên một lớp nước dày.
Tính toán cho thấy đại dương ẩn mình trên Mimas sâu khoảng 72km, và vẫn còn khá trẻ khi mới hình thành khoảng 25 triệu năm trở lại đây. Trong giai đoạn này, lực hấp dẫn từ Sao Thổ đã khiến lõi Mimas biến dạng và nóng lên, tạo ra một đại dương bên dưới lớp băng.
Bề mặt Mimas chứa vô vàn vết “sẹo” sinh ra từ các va đập với thiên thể không gian, lớn nhất trong số đó là hố va chạm Herschel, đặt theo tên nhà thiên văn học William Herschel, người khám phá ra Mimas hồi năm 1789.
Đại dương ngoài Trái Đất luôn thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu cũng như các cộng đồng đam mê thiên văn học và tổ chức khám phá không gian: theo những gì con người biết, nước luôn đi kèm với sự sống. Ví dụ, bề mặt mặt trăng Enceladus chứa hơn 100 khe nứt phun nước ra ngoài không gian, và một con tàu thăm dò bay qua khu vực này có thể phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh. Dự án Cassini đã đang cố gắng xác định xem sự sống có tồn tại trên Enceladus.
Theo lời ông Lainey, nước trên Mimas có tương tác với đá nóng đáy biển, từ đó có thể hỗ trợ sự sống. Mặc dù đại dương này mới hình thành khoảng 25 triệu năm, nhưng không thể loại trừ khả năng Mimas chứa dạng sống đơn bào.
Một số nhà nghiên cứu khác không chia sẻ quan điểm tích cực này. David Rothery, giáo sư khoa học địa chất hành tinh công tác tại Open University, cho rằng có những đối tượng nghiên cứu khác khả thi hơn Mimas. Theo ông, Mimas không phun nước ra không gian như Enceladus hay Europa, nên việc lấy mẫu rất khó. “Nếu như có sự sống trên Mimas, nó sẽ nằm ẩn dưới lớp băng dày hơn 20km”, giáo sư Rothery nói.
“Nếu như đại dương này mới hình thành được 25 triệu năm trở lại đây, có thể từng đó là chưa đủ để sự sống hình thành và ổn định. Europa và Enceladus là những ứng cử viên sáng giá hơn”, vị giáo sư nhận định.
Theo Guardian