Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, các quốc gia ở Bắc Bán Cầu đang trải qua một chuỗi những mùa hè nóng nhất trong lịch sử 2.000 năm, nghĩa là kể từ thời đại Hai Bà Trưng. Các dữ liệu phân tích được từ hồ sơ khí tượng, phân tích vòng cây cổ thụ và mô phỏng tính toán cho thấy mùa hè năm 2023 là mùa hè nóng nhất lịch sử.
"Kể từ thời kỳ đỉnh cao của Đế chế La Mã, mọi sự sống trên Trái Đất chưa từng trải qua một mùa hè khắc nghiệt đến vậy", Tessa Koumoundouros, một biên tập viên của Science Alert bình luận.
So với mùa hè lạnh nhất lịch sử được các nhà nghiên cứu xác định được vào năm 536 sau Công Nguyên, trùng với thời đại của Lý Nam Đế (503 – 548), nhiệt độ ở Bắc Bán Cầu đã tăng 3,93 độ C.
Và các nhà khoa học dự báo mức tăng sẽ còn lớn hơn nữa.
"Chỉ bằng cách nhìn sâu vào lịch sử, chúng ta mới ý thức được hiện tượng nóng lên toàn cầu gần đây đã trở nên nghiêm trọng đến mức nào", giáo sư Ulf Büntgen, tác giả nghiên cứu, đồng thời là một nhà khoa học môi trường tại Đại học Cambridge cho biết.
"Năm 2023 đã là một năm đặc biệt nóng, nhưng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trừ khi chúng ta giảm thiểu được đáng kể lượng khí phát thải nhà kính".
Những mùa hè nóng kỷ lục
Trong trường hợp bạn chưa biết, chỉ tính riêng mùa hè năm 2023, tại Việt Nam đã có gần 100 kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ.
Ngay từ cuối tháng 3, nhiệt độ ở Kim Bôi (Hòa Bình) đã tăng lên mức 41,4 độ C, vượt mức kỷ lục năm 1996 tới 3,3 độ. Trong khi đó, Cao Bằng cũng nắng tới 36,7 độ C, vượt qua mức kỷ lục của hơn 60 năm trước.
Nhiệt độ ở Tương Dương, Nghệ An ghi nhận được mốc cao lịch sử 44,2 độ C vào ngày 7/5/2023. Đây cũng là mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử quan trắc được tại Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 7 năm 2023, có tất cả 97 cột mốc kỷ lục nhiệt độ mới ở Việt Nam đã được thiết lập, biến mùa hè năm 2023 trở thành mùa hè nóng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Và không chỉ có riêng nước ta, hóa ra tất cả các quốc gia ở Bắc Bán Cầu cũng phải chịu chung số phận tương tự. Nghiên cứu của giáo sư Ulf Büntgen cho biết mùa hè năm 2023 là mùa hè nóng nhất trong vòng 2.000 năm qua ở Bắc Bán Cầu.
Kết luận được rút ra từ bộ hồ sơ nhiệt độ của giáo sư Büntgen và các đồng nghiệp. Ông đã thu thập được một bộ dữ liệu vòng cây quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tại các quốc gia nằm phía trên Xích Đạo.
Bằng cách nhìn vào mặt căt của các vòng cây này, dựa trên độ dày và màu sắc của chúng, các nhà khoa học có thể đoán được mức nhiệt độ mùa hè, trong một năm cụ thể mà cái cây đó đã sinh sống.
Không giống như các phép đo nhiệt độ trực tiếp của con người, vốn chỉ mới được thực hiện từ cách đây hơn 100 năm, và thường giới hạn ở một vài nơi, chủ yếu là ở Châu Âu, cây cối có thể cung cấp dữ liệu nhiệt độ gián tiếp cho khoảng thời gian từ hàng nghìn năm trước.
"Và những cái cây đã cho chúng tôi biết rằng mùa hè năm 2023 đặc biệt nóng nực", giáo sư Jan Esper, nhà nghiên cứu niên đại học và khí hậu tại Đại học Johannes Gutenberg Mainz ở Đức cho biết.
Mùa hè bây giờ đang nóng hơn gần 4 độ C so với thời Lý Nam Đế
Dựa trên hồ sơ nhiệt, các nhà khoa học đã tính toán và hiệu chỉnh để so sánh mức nhiệt độ của mùa hè ngày nay so với các mốc thời gian trong thời kỳ tiền công nghiệp.
Kết quả cho thấy mùa hè năm 2023 nóng hơn 0,15 độ C so với mùa hè năm 2016, được coi là mùa hè nóng kỷ lục gần đây nhất. So với những năm 1850-1900, khi dữ liệu khí tượng bắt đầu được con người ghi lại, mùa hè năm ngoái đã nóng hơn 2,07 độ C.
Điều này đã phá vỡ Thỏa thuận Paris năm 2015, khi 195 quốc gia đã cùng ký vào một bản hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu, để cùng giữ cho mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhưng giáo sư Büntgen cho biết, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.
"Nhiều cuộc thảo luận của chúng ta về hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày nay gắn liền với mức nhiệt độ cơ bản từ giữa thế kỷ 19. Nhưng tại sao lại lấy cột mốt đó làm mốc nhiệt độ cơ bản? Chúng ta biết làm sao được đâu là mức nhiệt độ cơ bản, trong bối cảnh khí hậu biến đổi liên tục, còn con người mới chỉ biết đo đạc khí tượng trong khoảng 150 năm trở lại đây?", ông nói.
"Chỉ khi nhìn sâu hơn vào lịch sử của khí hậu, chúng ta mới có thể giải thích được rõ sự biến đổi của tự nhiên, và biết con người đã đóng góp bao nhiêu vào sự thay đổi của khí hậu".
Nghiên cứu của giáo sư Büntgen đã quay lại so sánh nhiệt độ mùa hè hiện tại với mức nhiệt mùa hè cao nhất, vào năm 246 sau Công Nguyên để thấy nó vẫn nóng hơn 0,5 độ C.
So với mùa hè lạnh nhất xảy ra vào năm 536 sau Công Nguyên, tương đương với thời đại Lý Nam Đế ở Việt Nam, mùa hè năm 2023 có mức nhiệt cao hơn tới 3,93 độ C.
Mùa hè nằm 536 được xác định là mùa hè lạnh nhất trong lịch sử 2.000 năm, xảy ra do một vụ phun trào núi lửa mạnh đã bắn các hạt bụi vào khí quyển, làm hạn chế ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống tới mặt đất.
Hè năm 2024 được dự báo sẽ nắng nóng hơn nữa
Ngoài biến đổi khí hậu, một trong số các yếu tố khiến mùa hè năm 2023 trở thành mùa hè nóng nhất lịch sử, đó là do hiện tượng El Niño.
El Niño ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn thế giới do gió mậu dịch ở Thái Bình Dương suy yếu và thường dẫn đến mùa hè ấm hơn ở Bắc bán cầu. Điều này cũng được hồ sơ lịch sử nhiệt ghi nhận từ vòng cây của giáo sư Esper xác nhận.
"Đúng là khí hậu luôn thay đổi, nhưng sự nóng lên vào năm 2023 do khí nhà kính gây ra còn được khuếch đại bởi điều kiện El Niño, vì vậy chúng ta phải hứng chịu những đợt nắng nóng dài hơn, khắc nghiệt hơn và thời gian hạn hán kéo dài", ông nói.
Cho tới hiện tại, hiện tượng El Niño vẫn đang diễn ra, cho nên, mùa hè năm 2024 được cho là sẽ vẫn còn nắng nóng và có thể phá kỷ lục một lần nữa. Dựa trên những năm El Nino phát triển gần đây, quan sát cho thấy nó thường làm tăng nhiệt độ trong những năm sau khi xuất hiện. Ví dụ vào năm 2015 El Nino xuất hiện thì năm 2016 được ghi nhận là năm nắng nóng hơn.
Tương tự, El Nino đã phát triển vào năm 2023, thì năm 2024 sẽ trở thành năm nắng nóng đỉnh điểm. Cho tới hiện tại, mức nhiệt cao nhất ghi nhận được tại Việt Nam vào mùa hè năm 2024 là 44 độ C, vào ngày 28/4 tại Đông Hà, Quảng Trị.
Mức nhiệt này chỉ kém 0,2 độ C so với mức nhiệt kỷ lục của mùa hè năm ngoái. Điều này dự báo năm nay sẽ tiếp tục là một mùa hè nắng nóng, trong chuỗi những mùa hè nóng nhất 2.000 năm qua, kể từ thời đại Hai Bà Trưng.