Lúc 6 giờ 23 phút sáng ngày 2/6, tổ hợp tàu đổ bộ và tàu cất cánh của sứ mệnh Hằng Nga 6, với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2, đã hạ cánh an toàn xuống khu vực được chọn trước ở lòng chảo Nam Cực - Aitken, vùng tối của Mặt Trăng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một tàu thăm dò thực hiện nhiệm vụ thu thập mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng.

Thành công này là kết quả của hành trình 30 ngày đầy thử thách của tàu Hằng Nga 6 kể từ khi được phóng lên quỹ đạo vào ngày 3/5. Tàu đã trải qua một loạt các bước phức tạp như chuyển quỹ đạo Trái đất - Mặt Trăng, giảm tốc độ tiếp cận Mặt Trăng và bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trước khi thực hiện cú hạ cánh lịch sử.

"Cú đáp ngoạn mục" này đã đưa Trung Quốc tiến một bước gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công việc thu thập và mang mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng tự động trở về Trái đất.

"Cú đáp ngoạn mục" của tàu Hằng Nga 6 trên vùng tối Mặt Trăng- Ảnh 1.

Dự án thám hiểm Mặt Trăng là một trong những chương trình khoa học và công nghệ dài hạn quan trọng của Trung Quốc. Đây được xem là cột mốc thứ ba trong lịch sử phát triển ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc, sau thành công của việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên và đưa người vào không gian.

Khởi động từ năm 2004, dự án “Hằng Nga” được chia thành ba giai đoạn chính bao gồm: "thăm dò Mặt Trăng không người lái", "đưa người lên Mặt Trăng" và "xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng". Trong 20 năm qua, từ việc tàu Hằng Nga 1 chụp được bản đồ ảnh toàn cầu của Mặt Trăng, đến tàu Hằng Nga 4 thực hiện thành công chuyến hạ cánh mềm đầu tiên của nhân loại xuống vùng tối của Mặt Trăng, từ tàu Hằng Nga 5 mang mẫu vật đất đá Mặt Trăng trở về Trái đất thành công, cho đến sứ mệnh đầy hứa hẹn của tàu Hằng Nga 6, Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực, kiên trì theo đuổi mục tiêu chinh phục không gian.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã ứng dụng hàng loạt công nghệ "cứng" để giúp tàu Hằng Nga 6 hạ cánh nhẹ nhàng xuống vùng tối của Mặt Trăng, thể hiện rõ nét trí tuệ và sức mạnh trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Hệ thống "Queqiao-2", hệ thống phanh nhiều giai đoạn, hệ thống "mắt thần", hệ thống radar đỗ xe, và hệ thống giảm xóc quan trọng là những ví dụ điển hình cho khả năng làm chủ công nghệ của đất nước tỷ dân.

Thành công của sứ mệnh Hằng Nga 6 chỉ là bước khởi đầu cho những kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng đầy tham vọng của Trung Quốc. Theo kế hoạch, sau khi hạ cánh, tàu đổ bộ sẽ tiến hành kiểm tra và thiết lập trạng thái, sau đó chính thức bắt đầu công việc thu thập mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng trong khoảng 2 ngày.

Tiếp đó, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu Hằng Nga 7 vào năm 2026. Tàu Hằng Nga 7 được thiết kế để hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng, thực hiện các nhiệm vụ thăm dò toàn diện nhằm xây dựng nền móng cho một trạm nghiên cứu toàn diện hoạt động lâu dài, liên tục trên Mặt Trăng.

Vào năm 2028, Trung Quốc có kế hoạch phóng tàu Hằng Nga 8, bao gồm tàu đổ bộ, tàu bay, tàu tự hành và robot làm việc trên bề mặt Mặt Trăng. Tàu Hằng Nga 8 dự kiến sẽ hạ cánh gần tàu Hằng Nga 7, cùng nhau hình thành trạm nghiên cứu Mặt Trăng cơ bản.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.