Tóm tắt kỳ trước:

Kỳ 1: Bí ẩn y học: Trái tim được hiến tặng mách bảo chủ nhân mới tìm về nhà chủ nhân cũ, dù danh tính hai bên đã bị giấu kín

Kỳ 2: Khoa học hay tâm linh: Lời giải thích nào cho những ký ức song song của người hiến tặng và người nhận tạng ghép?

Kỳ 3: Nếu ký ức tồn tại trong trái tim: Liệu một phần người hiến tim vẫn còn sống, bên trong cơ thể người nhận tạng ghép?

Một người phụ nữ nhận được trái tim từ một người hiến tặng giấu danh tính. Trái tim sau đó đã "báo mộng" cho cô ấy biết tên và tìm được về nhà của chủ nhân cũ của nó, dù danh tính hai bên đã đều được giấu kín.

Một cậu bé 5 tuổi, nhận được trái tim hiến tặng từ một cậu bé 3 tuổi, trước đó đã bị ngã khỏi cửa sổ tử vong khi đang với tay lấy một đồ chơi Power Ranger. Cậu bé 5 tuổi từng rất thích đồ chơi siêu nhân, nhưng sau ca phẫu thuật lại trở nên sợ chúng.

Một giáo sư đại học nhận được trái tim hiến tặng từ một cảnh sát, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vị giáo sư sau đó thường xuyên mơ thấy một luồng sáng lóe lên trước mắt và thoáng hiện ra hình ảnh của Chúa Jesus. 

Vợ của người cảnh sát cho biết đó chính là cách mà chồng cô bị sát hại. Nghi phạm đã bắn một phát đạn thẳng vào mặt ông ấy, và hắn có vẻ ngoài giống với Chúa Jesus.

Hàng trăm trường hợp người nhận được trái tim hiến tặng có những trải nghiệm và thay đổi kỳ lạ với cơ thể mình, đã được báo cáo trên các tạp chí y khoa trong vòng nửa thế kỷ qua.

Không chỉ là hiệu ứng tâm lý đơn thuần, các nhà khoa học nghĩ rằng có một số giả thuyết ủng hộ việc trái tim chúng ta có thể lưu giữ lại một phần ký ức, thậm chí là tính cách và bản thể của người hiến tạng. 

Nếu ký ức có thể tồn tại trong trái tim, thì một phần nào đó của người hiến tim vẫn còn sống bên trong cơ thể người nhận trái tim đó. Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi về mặt khoa học, đạo đức và cả triết học xung quanh việc cấy ghép nội tạng, đặc biệt là trái tim.

Năm 2021, một sự việc gây tranh cãi đã xảy ra, trong đó, một người mẹ muốn tìm lại người đã nhận trái tim hiến tặng của con mình nhưng không được. Bà T.T.N ở Hải Dương, có con trai mất năm 2020 trong một vụ tai nạn giao thông.

Bà N đã đồng ý hiến tạng con mình với suy nghĩ để những phần thân thể con tiếp tục được sống. Các bác sĩ tại Bệnh viện 108 đã thực hiện ca phẫu thuật lấy tạng hiến từ con trai bà N.

Hai lá phổi của anh được ghép sang cho một bệnh nhân xơ phổi nguyên phát. Lá gan của anh được ghép cho một bệnh nhân suy gan. Hai quả thận được ghép sang cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Đồng thời, hai cẳng tay của con trai bà N được ghép cho một bệnh nhân trẻ bị tai nạn với chất nổ.

Trái tim của người thanh niên sau đó được điều phối về Bệnh viện Việt Đức, nơi nó tiếp tục cứu sống một bệnh nhân giãn cơ tim giai đoạn cuối.

Sau nghĩa cử cao đẹp của con trai bà N và gia đình, một lễ tang trọng thể đã được tổ chức cho anh. 5 gia đình có người thân nhận tạng ghép cũng đã tới để tiễn đưa chàng thanh niên và bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình bà N. Chỉ riêng gia đình người nhận trái tim của con bà là không tới.

Khoảnh khắc trái tim của anh được đưa vào hộp bảo quản và vận chuyển tới Bệnh viện Việt Đức.

Chờ đợi suốt nửa năm trời, người nhận trái tim hiến tặng vẫn bặt vô âm tín. Trong khi 5 gia đình còn lại thường xuyên cập nhật tình hình của người thân được ghép tạng. 

Bà N lúc nào cũng vui mừng khi nghe tin sức khỏe của ai đó tiến triển. Có tin ai đó được nhận tạng nhưng sức khỏe yếu đi là bà rất buồn và lo, như lo cho chính con trai mình. 

Một bệnh nhân được ghép hai tay của con bà N sau đó đã nhận bà là bà nội. Duy chỉ có ca nhận tim mà bà N mong mỏi nhất, muốn được nghe nhịp thở nhất thì không có liên lạc gì. Nhiều lần, bà N đã làm đơn đề xuất tới bệnh viện Việt Đức để xin thông tin người nhận trái tim của con bà nhưng không được.

"Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên bệnh viện nghe được thông tin về việc gia đình người hiến tạng mong muốn tìm kiếm người nhận tạng. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được đề nghị từ gia đình người hiến tạng mong muốn gặp người nhận để có thể cảm nhận sự sống của người thân của họ ở một cơ thể người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh viện cũng không thể cung cấp thông tin về người nhận tạng cho phía gia đình", giáo sư Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khi đó cho biết.

"Chúng tôi rất chia sẻ với nguyện vọng của bà mẹ. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh những trường hợp không hay xảy ra".

Các quy định về hiến tặng nội tạng và ghép tạng hiện nay đều chỉ rõ danh tính của người hiến và người nhận nội tạng đều phải được mã hóa, bảo mật và được luật pháp bảo vệ.

Chẳng hạn như Điều 4 và Điều 11 của "Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác" của Việt Nam quy định: Thông tin của người hiến tạng là bí mật. Tiết lộ thông tin của người hiến tạng nằm trong nhóm các hành vi bị nghiêm cấm.

Nghị định 176/2013 về Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép tạng.

Điều này nhằm để bảo đảm nội tạng hiến tặng được điều phối một cách công bằng nhất, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người nhận, người hiến tạng cũng như gia đình hai bên, tránh các tình huống khó xử, gánh nặng cảm xúc ví dụ như cảm giác ban ơn hoặc mắc nợ…

Vì vậy, trừ các tình huống nhận tạng ghép từ người thân hoặc có thỏa thuận từ trước, người ghép tạng và người nhận nội tạng cũng như gia đình hai bên sẽ không có cách nào để biết nhau.

Một câu chuyện khác về người mẹ tìm lại trái tim được hiến tặng của con mình, được đăng trên tạp chí Integrative Medicine. Cô có cậu con trai tên là Jerry, mới 16 tháng tuổi nhưng bị đuối nước trong bồn tắm.

Khi được cấp cứu và đưa tới bệnh viện, các bác sĩ cho biết cậu bé sẽ không thể tỉnh lại nữa. Nhưng trái tim cậu thì vẫn còn đập bên trong lồng ngực, và nó có thể tiếp tục đập nếu gia đình đồng ý hiến nó cho một cậu bé 7 tháng tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh Fallot, một khuyết tật nặng ở tim và sẽ cần cấy ghép một trái tim mới.

Gia đình của Jerry khi đó đã đồng ý.

Năm năm sau, gia đình Jerry mới lần đầu tiên biết được danh tính của người nhận tim hiến tặng từ con mình. Cậu bé tên là Carter và gia đình cậu đã mời gia đình Jerry tới nhà để đoàn tụ.

"Khi Carter vừa nhìn thấy tôi, thằng bé đã chạy ngay đến chỗ tôi và dụi mũi vào tôi. Nó cứ dụi đi dụi lại liên tục. Đó chính xác là những gì mà chúng tôi đã làm với Jerry", mẹ cậu bé xấu số nói.

"Khi thằng bé ôm tôi, tôi có thể cảm nhận được con trai mình. Ý tôi là tôi có thể cảm nhận được nó, không chỉ là tưởng tượng. Thằng bé ở đó. Tôi cảm nhận được năng lượng của nó. Tôi là một bác sĩ. Tôi được đào tạo để trở thành một người quan sát sắc sảo và có tính hoài nghi bẩm sinh. Nhưng điều này là sự thật".

Chúng tôi ở lại gia đình họ đêm đó. Vào giữa đêm, Carter vào và muốn ngủ với chồng tôi và tôi. Cháu nằm giữa chúng tôi giống hệt như cách Jerry đã làm, và chúng tôi bắt đầu khóc. Carter bảo chúng tôi đừng khóc vì Jerry nói rằng mọi thứ đều ổn. 

Chồng tôi và tôi, cả bố mẹ tôi là ông bà thằng bé, những người thực sự biết Jerry đều tin vào điều đó. Trái tim của con trai chúng tôi, nó chứa đựng một phần sống của con trai chúng tôi vẫn đang đập trong lồng ngực Carter. Ở một mức độ nào đó, con trai chúng tôi vẫn còn sống".

Tường thuật lại khoảnh khắc đó, đây là những gì từ góc nhìn của mẹ Carter, cậu bé đã nhận tim hiến tặng:

"Tôi thấy Carter đến chỗ bà ấy [mẹ của Jerry]. Thằng bé trước nay không bao giờ làm vậy. Carter rất, rất nhút nhát, nhưng nó chạy đến bên bà ấy giống như hồi bé nó vẫn chạy đến bên tôi. Khi Carter thì thầm "Không sao đâu, Mẹ", tôi đã vỡ òa. Thàng bé gọi cô ấy là Mẹ, hoặc có lẽ là tiếng tim của Jerry đang nói. 

Và một điều nữa khiến chúng tôi bật khóc. Khi nói chuyện với mẹ của Jerry, chúng tôi phát hiện ra Jerry bị bại não nhẹ, chủ yếu ở bên trái. Carter cũng bị cứng người và run ở phía bên đó. Khi còn nhỏ, thằng bé không bị như vậy và triệu chứng đó chỉ xuất hiện sau ca cấy ghép tim. Các bác sĩ nói rằng có lẽ nó bị bệnh, nhưng tôi nghĩ mọi thứ không đơn giản như vậy.

Tôi muốn bạn biết thêm một điều nữa. Khi chúng tôi cùng nhau đi nhà thờ, Carter chưa từng gặp bố của Jerry. Chúng tôi đến muộn và bố của Jerry đang ngồi với một nhóm người ở giữa giáo đoàn. Carter buông tay tôi và chạy thẳng đến người đàn ông đó. Nó trèo lên đùi ông, ôm ông và gọi "Bố".

Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Làm sao thằng bé có thể biết ông ấy? Tại sao nó lại gọi ông ấy là Bố? Thằng bé không bao giờ làm những điều như thế trước đây. Nó không bao giờ buông tay tôi trong nhà thờ và không bao giờ chạy đến với người lạ. Khi tôi hỏi tại sao con làm vậy, thằng bé nói rằng đó không phải chủ ý của nó. Thằng bé nói đó là Jerry đã làm, và cậu bé ấy đã đi cùng nó".

Việc cho phép hay không cho phép các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người hiến tạng và người nhận tạng, cũng như gia đình hai bên, đang nằm trên một ranh giới gây ra nhiều tranh cãi về mặt đạo đức, cũng giống như việc liệu trái tim có thể lưu giữ ký ức hay không?

Nếu các nhà khoa học chứng minh được trái tim thực sự có thể mang ký ức của người hiến tạng, các quy trình hiến tặng nội tạng và bảo mật thông tin ngày nay chắc chắn sẽ phải được điều chỉnh.

Chẳng hạn, sẽ phải có những thay đổi liên quan đến thời điểm hiến tạng, các bước điều phối tạng ghép và đặc biệt là quyền được tiếp cận nội tạng sau cấy ghép.

Trong quá trình chờ đợi một câu trả lời dứt khoát của khoa học, một số cơ quan điều phối tạng ghép đã bắt đầu cho phép các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa hai bên gia đình người hiến tạng và người nhận tạng.

Ví dụ như cơ quan điều phối tạng ghép British Columbia ở Canada (BC Transplant) gần đây đã sửa các quy định của mình để mở đường cho các cuộc gặp gỡ giữa người nhận tạng và gia đình người hiến tạng.

Trước năm 2019, BC Transplant chỉ đứng ra làm đơn vị trung gian để nhận và gửi thư ẩn danh trong trường hợp hai bên muốn liên lạc với nhau. Họ lưu ý: "Một số người nhận ghép tạng viết thư cho gia đình người hiến tặng để bày tỏ lòng biết ơn. Quyết định viết thư cho gia đình người hiến tặng là lựa chọn cá nhân, nhưng tiếng nói của bạn thường có thể giúp gia đình vượt qua nỗi mất mát người thân".

Tuy nhiên, BC Transplant cũng cho biết việc bạn gửi thư cho người hiến hoặc nhận tạng có thể chỉ là hoạt động một chiều. Trong một số trường hợp, bạn có thể nhận được hoặc không nhận được phản hồi từ gia đình người hiến hoặc nhận tạng.

"Một số gia đình có thể trả lời thư của bạn, trong khi những gia đình khác có thể thích sự riêng tư và chọn không viết thư. Những gia đình khác có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi họ cảm thấy thoải mái khi viết thư", BC Transplant lưu ý.

Để đảm bảo tính riêng tư, Đạo luật hiến tặng mô người của British Columbia yêu cầu danh tính của cả người hiến tặng và người nhận phải được giữ bí mật. Vì lý do này, BC Transplant trước đây yêu cầu người hiến hoặc nhận tạng không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào để nhận dạng như tên, nơi bạn sống hoặc nơi bạn làm việc trong thư ẩn danh.

Nhưng kể từ năm 2019, BC Transplant đã nới lỏng quy định: "Thỉnh thoảng, gia đình người hiến và người nhận tạng có thể muốn vượt ra ngoài giao tiếp ẩn danh để có thể liên lạc trực tiếp. Điều này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như gặp mặt trực tiếp hoặc tiết lộ thông tin nhận dạng cá nhân để bạn có thể gửi email hoặc kết nối trực tiếp với nhau thay vì thông qua BC Transplant".

Theo đó, nếu cuộc giao tiếp ẩn danh giữa hai bên hội tụ đủ 3 yếu tố sau, BC Transplant sẽ hỗ trợ người nhận tạng và người hiến tạng gặp nhau:

- Thứ nhất, họ đã phải trao đổi qua thư từ ẩn danh ít nhất một lần

- Thứ hai, thời gian đã đủ 12 tháng kể từ ca ghép tạng hiến tặng

- Thứ ba, cả hai bên gia đình phải bày tỏ mong muốn gặp mặt nhau trực tiếp một cách độc lập, không bên nào gợi ý hay ép buộc bên nào.

Việc BC Transplant nới lỏng quy định của mình đã tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa người hiến tạng và người nhận được nội tạng hiến tặng. Chẳng hạn như vào năm 2020, Carrie Jung, một người phụ nữ ở Canada đã lần đầu tiên gặp được gia đình của chàng trai đã hiến tặng trái tim cho mình.

Jung bắt đầu bị suy tim từ năm 1995 và phải ghép tim vào năm 2002. Trái tim mà cô nhận được đến từ Darcy, một chàng trai bằng tuổi cô, không may qua đời vì chứng phình động mạch não.

Marie Doherty, mẹ của Darcy đã quyết định hiến tặng trái tim của anh cho BC Transplant. Họ đã điều phối trái tim của Darcy cho Jung và ca phẫu thuật đã thành công.

Ngay sau khi Jung đủ khỏe, cô đã viết một tấm thiệp để cảm ơn gia đình Darcy. "Tôi muốn cảm ơn vì món quà này và muốn cho họ biết rằng tôi vẫn ổn. Đó là lý do của tôi. Để cho họ biết rằng tôi vẫn ổn với trái tim mới của mình", Jung nói.

Nhưng tấm thiệp đó cuối cùng đã mở đầu cho một chuỗi 17 năm trao đổi thư từ giữa Jung và Doherty. Họ cập nhật tình hình sức khỏe cho nhau, bao gồm trái tim của Darcy trong cơ thể Jung, họ có thể nói về bất cứ điều gì trong cuộc sống của hai người, không một dịp lễ nào hai người không gửi thư cho nhau.

Có điều, Jung và Doherty không ai biết người còn lại là ai, tên là gì và ở đâu. Jung sẽ gọi Doherty là "người mẹ thứ hai của con". Còn Doherty sẽ giữ lại mọi bức thư của Jung như một người mẹ giữ những bức thư của con mình.

Tháng 11 năm 2019, sau khi BC Transplant thay đổi các quy định về bảo mật danh tính người hiến và nhận tạng, Jung và Doherty đã được chọn để gặp mặt trực tiếp lần đầu vào tháng 2 năm 2020.

Jung cho biết nó giống như một "cuộc trở về nhà": "Trong suốt 17 năm rưỡi trao đổi thư từ, tôi có cảm nhận thực sự rõ ràng về Marie và hình dung trong đầu bà ấy sẽ trông như thế nào. Và thực tế là, khi tôi gặp bà ấy, Marie trông chính xác như những gì tôi đã hình dung".

"Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhau, lần đầu tiên nhưng có cảm giác chúng tôi đã quen nhau cả đời rồi".

Về phần mình, Doherty mô tả cuộc hội ngộ giống như thể gặp lại người con trai quá cố của mình. "Cuối cùng thì thằng bé cũng đã được trở về nhà rồi", bà nói với giọng nghẹn ngào khi nghe trái tim của con trai mình vẫn đang đập.

Trở lại với người phụ nữ mở đầu cho cả series bài viết này, Claire Sylvia, người đã nhận được trái tim hiến tặng của Tim Lamirande, chàng thiếu niên không may tử vong trong một tai nạn xe máy. 

Sylvia sau đó đã được trái tim của Lamirande mách bảo, tìm được về nhà người chủ cũ của mình dù danh tính hai bên đã đều được giấu kín.

Cuộc hội ngộ năm đó đã diễn ra hết sức đặc biệt. Bản thân Sylvia là một người Do Thái, nhưng khi gặp gia đình Tim, cô biết họ là người Công giáo. "Vì vậy, tôi đang có một trái tim Công giáo bên trong cơ thể Do Thái của mình", Sylvia nói.

Cô vẫn giữ liên lạc với gia đình Tim trong suốt 20 năm, không năm nào quên gửi quà Giáng sinh cho mẹ của anh, Joan Lamirande. "Cô ấy là một người tuyệt vời", bà nói. "Miễn là cô ấy còn sống khỏe mạnh, thì tôi cũng có cảm giác như con trai mình còn sống".

Sylvia xuất bản một cuốn hồi ký, A Change of Heart: A Memoir, để kể về cuộc đời thần kỳ của mình vào năm 1997. Cuốn sách sau đó đã được chuyển thể thành phim, Heart of a Stranger, vào năm 2002.

Năm 2009, Claire Sylvia qua đời, hưởng thọ 69 tuổi. Cô đã sống thêm được 21 năm nhờ trái tim hiến tặng của Tim Lamirande trong lồng ngực. 

Và cho tới tận thời điểm đó, trái tim của Tim Lamirande cũng mới ngừng đập. Mà đáng lẽ ra, nó đã phải ngừng đập trong vụ tai nạn xe gắn máy năm 1988, bên dưới lớp áo khoác của Tim cùng với một túi gà viên chiên McDonald's vẫn còn đang nóng hổi.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.