Đầu năm nay, CEO của tập đoàn điện tử Hàn Quốc LG đã đưa ra tầm nhìn phát triển tới 2030 của công ty này. Trong đó, điều đáng nói nhất đó là LG sẽ không chỉ dừng lại là “Công ty sản xuất đồ điện tử gia dụng” nữa, mà sẽ phát triển để trở thành Tập đoàn cung cấp giải pháp cuộc sống thông minh .

Kế hoạch này bao gồm việc đi tìm những ngành kinh doanh mới không phụ thuộc vào phần cứng (phi phần cứng), và mở rộng hơn các ngành kinh doanh doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B). Vậy cụ thể những ngành mới LG đang cố gắng phát triển là gì?

Không trực tiếp làm xe điện, nhưng vẫn đóng góp cho mảng này

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, loại sản phẩm đang được tất cả Thế giới đổ dồn nguồn lực và sự quan tâm đó là xe điện. Nhưng LG lại không phải là một công ty có kinh nghiệm sản xuất xe hơi, và trong tương lai gần họ cũng không có kế hoạch bán ra những chiếc xe hoàn chỉnh tới tay người dùng. Tuy vậy, LG vẫn đang ‘tăng ga’ cho thị trường xe điện thông qua những giải pháp mà công ty này đang phát triển với sự hợp tác của các nhà sản xuất xe và cung cấp dịch vụ vận tải.

Đầu tiên, LG đã có thể sản xuất các trạm sạc xe điện để cung cấp cho các hãng xe, những khách sạn, trạm dừng đỗ và cả cho cá nhân. Hãng có 2 loại sạc là sạc Cấp 2 cung cấp nguồn điện 11kW với kích thước nhỏ gọn hơn, và sạc Cấp 3 công suất cao 175kW giúp sạc ô tô nhanh hơn, đồng thời cũng tích hợp cả một màn hình 24 inch.

Sạc xe điện Cấp 2

Màn hình của sạc Cấp 3 không chỉ hiển thị các thông tin liên quan đến việc sạc xe, mà còn là cơ hội để các đơn vị đặt trạm có thêm nguồn thu từ quảng cáo. Hiện các trạm sạc này đã được LG đặt tại nước nhà Hàn Quốc thông qua sự hợp tác với công ty HiEV Charger, và sẽ mở rộng thêm tại thị trường châu Á và châu Âu trong năm sau.

Sạc xe điện Cấp 3 với công suất cao và màn hình cảm ứng

Trong quy trình sản xuất ô tô điện, LG cũng ‘góp sức’ khi cung cấp các giải pháp phần mềm, phần cứng liên quan đến vấn đề điều khiển và giải trí trên xe. Hãng gọi đây là giải pháp LG ‘AlphaWare’, bao gồm các thành phần nhỏ hơn bao gồm:

- PlayWare: Hệ điều hành giải trí cho các màn hình trên xe, được phát triển dựa trên nền tảng webOS đã có mặt trên TV của hãng

- MetaWare: Sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để nâng cấp các công cụ điều hướng của ô tô (HUD điện tử chỉ đường bằng hình ảnh, biến bản đồ thành hình ảnh 3D)

Hệ thống HUB AR sẽ 'chèn' chỉ dẫn trực tiếp lên cửa kính xe

- VisionWare: Hệ thống kiểm tra tình trạng của người lái (có đang cầm tay lái hay không, báo động tình trạng say xỉn, điều khiển màn hình bằng cử chỉ tay…)

- BaseWare và OpsWare: Hệ thống phần mềm để các nhà lập trình, những nhà sản xuất xe có thể sử dụng để phát triển nên hệ thống phần mềm dành cho xe thông minh của họ.

Giải pháp AlphaWare này dù đối với người dùng thì còn xa lạ, nhưng thực chất đã được LG hợp tác phát triển với khá nhiều các nhà sản xuất ô tô có tiếng như Mercedes, BMW, Audi, Bentley, Ford, Toyota, KIA, Hyundai…

Robot với AI cho cả dịch vụ lẫn công nghiệp

Trong một bài viết trước đó , ta cũng đã tìm hiểu về việc LG đang muốn trở thành “nhà sản xuất của các nhà sản xuất” bằng cách sản xuất các loại robot tự động, bán tự động có áp dụng AI cho các nhà máy công nghiệp.

Một số loại robot thông minh cho công nghiệp bao gồm: máy gắp linh kiện có khả năng nhận dạng hình dạng và vị trí đồ vật để chọn điểm lấy tối ưu (tránh rơi), máy lắp ốc cho máy giặt với khả năng phân tích góc xoay hợp lý (giúp lắp ráp hai bộ phận có lỗ lắp lệch nhau), và các thiết bị an toàn như camera phát cảnh báo nếu công nhân không đội mũ và mặc đồ bảo hộ, hay giải pháp dừng thiết bị bằng giọng nói trong trường hợp tai nạn.

Robot CLOi chỉ đường

Trong ngành dịch vụ, LG cũng có những robot thông minh để ‘tự động hóa’ một số công việc trước đây phải làm bằng sức người. Đầu tiên, ta có robot LG CLOi, có chức năng cung cấp thông tin, chỉ đường cho người dùng ở các không gian lớn như bệnh viện, khách sạn, sân bay…

Robot vận chuyển đồ ăn dành cho nhà hàng, khách sạn

Đối với các hàng ăn và khách sạn thì LG có robot phục vụ, trang bị màn hình ở mặt trên để đặt món và điều khiển, cùng những khoang nhỏ ở dưới để đem đồ đến cho người đã đặt. Các khoang nhỏ được đóng mở độc lập nên 1 robot có thể phục vụ nhiều người, nhiều phòng khách sạn một lúc; ngoài ra robot cũng có hệ thống cảm biến để di chuyển một cách an toàn.

Điều hòa, nhưng là cho doanh nghiệp

Có lẽ ai cũng đã quen thuộc với việc LG sản xuất điều hòa không khí cho các hộ gia đình, nhưng LG cũng sản xuất luôn cả những hệ thống HVAC (điều hòa không khí trung tâm với khả năng làm ấm, làm mát, lọc không khí) cho các tòa nhà lớn.

Giữa tháng 7 vừa qua, LG cũng đã mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) rộng 930m2 tại Frankfurt, Đức để nghiên cứu về nhu cầu sử dụng điều hòa tại châu Âu. Được biết, nhu cầu sử dụng HVAC tại châu Á và châu Âu là rất khác nhau, vì điều kiện môi trường ở các thị trường này là hoàn toàn khác biệt. Tại châu Âu, mùa đông thường sẽ rất lạnh nên LG đang trong quá trình phát triển hệ thống làm ấm hiệu suất cao cho thị trường này.

Bên cạnh việc cung cấp giải pháp phần cứng, LG cũng cho biết đã mở 62 trường đào tạo nghề trên toàn Thế giới, sẽ có thể huấn luyện cho 37.000 kỹ thuật viên lắp đặt, bảo dưỡng HVAC trong năm 2024. HVAC là một ngành công nghiệp B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), nên việc đào tạo được một đội ngũ chuyên viên để hoạt động luôn được xuyên suốt, có tính tin cậy cao cũng rất quan trọng.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.