Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Nếu có cỗ máy thời gian để quay ngược trở về 20 năm trước trong quá khứ, bạn sẽ thấy đó là một năm khoa học công nghệ cực kỳ sôi động.
Năm 2004, NASA hạ cánh thành công tàu thăm dò Opportunity lên Sao Hỏa và họ đã tìm thấy nước. Tại Đại học Harvard, một nhóm 5 sinh viên do Mark Zuckerberg dẫn đầu đã thành lập ra Facebook. Đó cũng là năm mà trình duyệt Firefox và ứng dụng Gmail ra đời.
Thế nhưng, ít người để ý trong một số báo xuất bản ngày 7 tháng 5 năm 2004 trên tạp chí Science, một nhà hàng hải người Anh tên là Richard Thompson đã có một phát hiện mở màn cho hơn 7.000 nghiên cứu khoa học trong suốt 2 thập kỷ sau đó, nói về chỉ một thứ: Hạt vi nhựa.
Trong bài báo có tựa đề "Biến mất trong đại dương: Tất cả số nhựa đó đã đi đâu?", Thompson đã chỉ ra một bí ẩn khó hiểu. Rằng loài người đang đổ hàng tỷ tấn nhựa vào lòng đại dương mỗi năm, nhưng với các đo đạc thống kê của mình, Thompson chỉ phát hiện được 269.000 tấn nhựa trôi nổi trên mặt biển.
"Vậy số nhựa còn lại đã đi đâu?", ông hỏi.
Tự hỏi cũng để tự trả lời, Thompson sau đó đã phát hiện những mảnh nhựa lớn trôi nổi trên đại dương sẽ bị mặt trời phân hủy thành những mảnh nhựa nhỏ. Sau đó, những mảnh nhựa nhỏ lại tiếp tục phân hủy thành những hạt nhựa nhỏ hơn nữa.
Cuối cùng, khi đạt tới kích dưới 20 micromet, thì những hạt nhựa này trở nên vô hình dưới mắt người thường. Thompson lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ "hạt vi nhựa" để gọi những hạt nhựa này.
Khái niệm hạt vi nhựa của Thompson đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới. Kể từ đó, hơn 7.000 nghiên cứu đã được công bố cho thấy sự phổ biến của vi nhựa trong môi trường, động vật hoang dã và cơ thể con người.
Vậy chúng ta đã học được gì trong suốt 2 thập kỷ nghiên cứu hạt vi nhựa? Dưới đây là một bản tóm tắt ngắn về những gì mà chúng ta cần biết, về thứ được mệnh danh là thuốc lá thế hệ mới, một dạng mưa axit chưa từng thấy này.
Vấn đề lớn xuất phát từ những hạt rất nhỏ
Vi nhựa thường được hiểu là các hạt nhựa có kích thước 5mm hoặc nhỏ hơn. Chúng có thể được thêm vào các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày để tạo ra một số công năng.
Chẳng hạn như vi nhựa trong sữa rửa mặt giúp chà xát tốt hơn, tẩy tế bào chết và tăng khả năng tạo bọt. Một số loại mỹ phẩm như kem nền hoặc son môi cũng chứa vi nhựa như một chất làm đầy, tạo độ mờ hoặc độ bóng.
Mặc dù vậy, đa số hạt vi nhựa là sản phẩm phân rã không chủ ý, có xuất phát điểm là các sản phẩm nhựa lớn hơn trong đời sống của chúng ta. Các nguồn phát thải vi nhựa phổ biến được biết đến bao gồm:
- Sợi vải từ quần áo
- Lốp xe
- Màng bọc thực phẩm
- Dây thừng
- Lưới đánh cá
- Sân bóng đá sử dụng cỏ nhân tạo
- Nhựa tái chế
- Phân bón hóa học
Bởi các điều kiện trong thực tế khác xa với phòng thí nghiệm, các nhà khoa học hiện chưa thể xác định được tốc độ chính xác khiến một sản phẩm nhựa bị lão hóa và giải phóng hạt vi nhựa.
Nhưng họ thậm chí đã phát hiện thấy một hiện tượng nguy hại hơn, khi các mảnh vi nhựa tiếp tục phân rã thành nhựa ở kích thước nano. Những hạt nano nhựa này có thể xâm nhập dễ dàng qua da, thành ruột, niêm mạc phổi và thậm chí xuyên qua hàng rào máu để vào não người.
Đo lường tai họa của hạt vi nhựa
Rất khó để đánh giá khối lượng vi nhựa trong môi trường không khí, đất và nước. Nhưng các nhà nghiên cứu đã cố gắng thực hiện điều này.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2020 ước tính có từ 0,8 đến 3 triệu tấn vi nhựa đổ vào đại dương mỗi năm.
Và một báo cáo gần đây cho thấy lượng vi nhựa rò rỉ vào môi trường đất còn có thể gấp từ 3 đến 10 lần con số đó. Nếu đúng, điều này có nghĩa là mỗi năm sẽ có từ 10 đến 40 triệu tấn vi nhựa đang xâm chiếm Trái Đất
Tin tức còn tồi tệ hơn. Đến năm 2040, lượng vi nhựa phát tán ra môi trường có thể tăng gấp đôi. Ngay cả khi con người ngừng xả vi nhựa vào môi trường, sự phân rã của các sản phẩm rác nhựa lớn hơn vẫn sẽ tiếp tục.
Vi nhựa đã được phát hiện trong hơn 1.300 loài động vật, bao gồm cá, động vật có vú, chim và côn trùng.
Một số loài động vật nhầm lẫn các hạt này là thức ăn và ăn chúng, dẫn đến nhiều tác hại điển hình là tình trạng tắc ruột. Động vật cũng bị tổn thương khi các hạt nhựa trong cơ thể chúng giải phóng các hóa chất độc hại – hoặc những hóa chất chỉ "quá giang" trên cơ thể chúng rồi chuyển sang con người.
Vi nhựa đang xâm lược cơ thể chúng ta
Vi nhựa đã tìm thấy trong nước chúng ta uống, không khí chúng ta hít thở và thực phẩm chúng ta ăn - bao gồm hải sản, muối ăn, mật ong, đường, bia và trà.
Đôi khi, ô nhiễm vi nhựa xảy ra trực tiếp trong môi trường, ví dụ như những con hàu biển nuốt phải hạt vi nhựa rồi con người ăn chúng. Nhưng đôi khi, vi nhựa là một phụ phẩm mà chính con người tạo ra trong quá trình chế biến, xử lý và đóng gói.
Ví dụ, nước đóng trong chai nhựa cũng phát tán hạt vi nhựa. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thu thập dữ liệu về hạt vi nhựa có trong thịt động vật, ngũ cốc, trái cây, rau quả, đồ uống, gia vị, và dầu mỡ.
Quan trọng nhất, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy sự hiện diện của hạt vi nhựa trong chính cơ thể con người. Họ đã tìm thấy vi nhựa trong phổi, gan, thận, máu và cơ quan sinh sản của chúng ta. Vi nhựa đã vượt qua các rào cản bảo vệ để xâm nhập vào não và tim của con người.
Mặc dù hàng ngày, chúng ta vẫn đang tự đào thải một số lượng hạt vi nhựa thông qua nước tiểu, phân và quá trình hít thở, nhưng nhiều hạt vi nhựa vẫn đọng lại trong cơ thể chúng ta. Vậy điều này có tác động như thế nào đến sức khỏe?
Điều này phụ thuộc vào liều lượng hạt vi nhựa mà mỗi người hít hoặc nuốt phải, đồng thời phụ thuộc vào loại nhựa và các hóa chất trên nhựa mà họ bị phơi nhiễm. Nhưng tựu chung lại, ô nhiễm hạt vi nhựa đang khiến chúng ta bị:
- Gia tăng viêm nhiễm trên khắp cơ thể
- Gia tăng tình trạng căng thẳng oxy hóa (sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa gây tổn thương tế bào)
- Làm rối loạn hệ thống miễn dịch
- Làm rối loạn thông tin di truyền trong tế bào gây ra đột biến
Một hậu quả chung của tất cả các tình trạng trên là dẫn tới nguy cơ mắc ung thư cao.
Chúng ta có thể làm gì?
Sau hơn 2 thập kỷ hạt vi nhựa được biết đến, mối quan tâm của công chúng đến lĩnh vực nghiên cứu này đang ngày càng tăng. Mọi người sợ vi nhựa bởi sự phơi nhiễm lâu dài của chúng. Vi nhựa không thể được xử lý trong môi trường, và không có loại thuốc hay biện pháp nào cho phép chúng ta tẩy sạch chúng ta khỏi cơ thể mình.
Quay trở lại hơn 1 thế kỷ trước, khi nhà hóa học người Mỹ Leo Baekeland tạo ra vật liệu nhựa đầu tiên, ông chỉ biết rằng nó sẽ mở đầu cho một thời đại mà cuộc sống của con người có thể trở nên tiện dụng hơn với nhựa.
Baekeland đã giúp chúng ta có mọi thứ đồ dùng nhựa trên đời, bền, đẹp và rẻ. Chúng ta cũng có túi nhựa để đi chợ, đi làm và đựng đồ đạc trong nhà. Chúng ta có bơm tiêm nhựa, các ống truyền nhựa và thậm chí bộ phận cấy ghép bằng nhựa để phục vụ nền y tế.
Tuy nhiên, tất cả những sự tiện dụng đó đang khiến chúng ta, và cả thế hệ mai sau, phải trả giá. Chúng ta dùng nhựa rồi vứt nhựa, trớ trêu thay, loại vật liệu này quá bền vững để không bị phân hủy trong hàng trăm năm.
Và những mảnh nhựa tưởng chừng đã bị phân hủy, hóa ra chỉ bị tan ra thành những mảnh nhựa nhỏ hơn và độc hại hơn. Loài người đã phát minh ra nhựa và sử dụng nhựa trong hơn 100 năm. Nhưng chúng ta mới chỉ biết đến hạt vi nhựa từ 20 năm về trước.
Dù muộn nhưng bởi chúng ta đã tạo ra vấn đề - giờ đây không còn cách nào khác là phải tìm kiếm giải pháp.
Một số quốc gia đã ban hành các đạo luật quy định về vi nhựa. Nhưng điều này là chưa đủ để đối phó với thách thức mang tính toàn cầu đang ngày một gia tăng. Liên Hợp Quốc hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận gọi là Hiệp ước Nhựa Toàn cầu, nhằm giảm sản lượng nhựa trên toàn thế giới.
Nhưng số lượng nhựa tồn đọng trên hành tinh vẫn sẽ phải được dọn dẹp. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp tạo ra nhựa sinh học thân thiện hơn với môi trường hoặc phân hủy được các loại nhựa hiện tại, nhờ sức mạnh của vi khuẩn.
Hai thập kỷ không phải là một cột mốc quá dài trong khoa học. Nhưng 7.000 nghiên cứu là một khối lượng công trình khổng lồ. Nó đại diện cho tính cấp bách của vấn đề ô nhiễm vi nhựa, một vấn đề mà chúng ta đang phải gấp rút giải quyết.
Nguồn: Tham khảo Sciencealert, Theconversation, Science