Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Khi được hỏi liệu trong trạng thái bình thường anh có thể quai búa liên tục bằng một tay – tay còn lại bám vào song sắt cửa sổ và chỉ đứng bằng một chân trên trang tre ở độ cao 3 mét được hay không, Đồng Văn Tuấn, 21 tuổi, "người hùng đập tường" trong vụ hỏa hoạn ở Trung Kính đã thẳng thắn thừa nhận rằng: Không!
Với chiều cao 1m68, nặng 50 kg, Tuấn nói ngay cả việc cầm chiếc búa cán sắt, nặng 5 cân đã là quá sức đối với anh - một tài xế hàng ngày mưu sinh bằng nghề lái xe ôm công nghệ.
Vậy mà trong cái đêm định mệnh hôm ấy, Tuấn đã dùng búa để phá tường, cứu được 5 nạn nhân ra khỏi vụ hỏa hoạn ở Trung Kính. Hẳn phải có một sức mạnh kỳ lạ và phi thường đã giúp anh làm điều đó.
Một trạng thái "siêu sức mạnh"
Các nhà khoa học gọi đó là "Hysterical strength", tạm dịch là "sức mạnh cuồng nộ". Thuật ngữ này được định nghĩa là: "sức mạnh thể chất cực độ của con người, vượt quá những gì được cho là nằm trong khả năng của họ, thường xảy ra khi con người ở trong – hoặc nhận thấy bản thân hoặc người khác đang ở trong một tình huống sinh tử".
Trên thế giới không thiếu những câu chuyện tương tự chứng minh cho sức mạnh cuồng nộ của con người. Ví dụ vào năm 2006, một người phụ nữ ở Canada đã đánh nhau tay đôi với một con gấu trắng Bắc Cực, nhằm bảo vệ con trai mình.
Lydia Angyiou, 41 tuổi, phát hiện con gấu trắng đang tiến đến gần cậu con trai 7 tuổi đang chơi khúc côn cầu trên đường phố. Ngay lập tức, cô đã chạy lại chắn giữa mặt con gấu và hét lên bảo con trai mình chạy trốn.
Con gấu - cao tới 2,4 mét và nặng 318 kg - sau đó táp vào mặt khiến Lydia ngã ra đất. Nhưng trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, sức mạnh của cô bỗng dưng bộc phát. Lydia liên tục đấm và đá con gấu. Hai chân cô đạp vào bụng nó trong tư thế đi xe đạp.
Người phụ nữ cao 1m52, nặng 41 kg đã cầm cự với con gấu to gấp 8 lần cơ thể cô, đủ lâu để một người hàng xóm đi mượn súng, bắn chỉ thiên thu hút con gấu buông tha cô ấy.
Anh chàng này sau đó đã kết liễu con gấu khổng lồ bằng 4 phát đạn. Lydia thì chỉ bị bầm một bên mắt và người sây sát nhẹ.
Năm 2019, tại Mỹ, một cậu bé 16 tuổi đã được tôn vinh là thiếu niên anh hùng sau khi dùng tay không nhấc một chiếc Volkswagen Passat để cứu người hàng xóm đang bị kẹt bên dưới.
Cậu bé tên Zac Clark nghe thấy tiếng kêu cứu của hàng xóm trong khi đang ở nhà làm vườn. Ngay lập tức, Zac chạy sang thì thấy chiếc ô tô đang đè lên người đàn ông trung niên. "Em đoán kích của chiếc xe đã bị gãy hoặc trượt ra khiến nó rơi đè lên người chú ấy", Zac nói.
Không một hồi do dự, cậu bé đã chạy lên phía đầu xe, cố gắng nhấc nó lên bằng hai tay không. Một chiếc Passat nặng khoảng 1,4 tấn, riêng phần đầu xe cũng nặng khoảng 850kg, nhưng Zac đã nhấc được nó lên đủ lâu để mẹ cậu và người phụ nữ hàng xóm kéo chồng mình ra khỏi gầm xe.
Người đàn ông được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện với khuôn mặt biến dạng nặng và một số xương sườn bị gãy. Các bác sĩ nói ông ấy sẽ chết nếu Zac không kịp thời nhấc chiếc xe lên lúc ấy.
Lịch sử chiến tranh cũng đầy rẫy những câu chuyện về sức mạnh phi thường của con người. Chẳng hạn như Seyit Çabuk, một hạ sĩ Ottoman đã một mình vác 3 quả đạn pháo, mỗi quả nặng 276 kg trong thế chiến I.
Tại Việt Nam trong Kháng chiến chống Mỹ, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển từng tải hai hòm đạn nặng gần 100 cân trên vai. Năm đó, cô Tuyển mới 19 tuổi, nặng vỏn vẹn 42 kg.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học Liên Xô thậm chí đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm tìm cách kích hoạt được sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người. Các thí nghiệm ban đầu được thực hiện với vận động viên thể thao, nhưng ai mà biết, họ có định áp dụng lên binh sĩ của mình hay không?
Dẫn đầu chương trình nghiên cứu sức mạnh tối đa của con người Liên Xô là Vladimir Zatsiorsky, một tiến sĩ cơ sinh học đồng thời là vận động viên nhào lộn, nhà vô địch Olympic năm 1960.
Trong những thí nghiệm với vận động viên chạy marathon và vận động viên cử tạ, Zatsiorsky đã phát hiện ra một hiệu ứng trái ngược. "Nếu bạn kiểm tra nhịp tim của vận động viên chạy marathon, bạn sẽ thấy con số cao nhất mà họ đạt được là ở gần vạch đích. Nhưng những vận động viên cử tạ ưu tú nhất của Liên Xô có thể đạt nhịp tim tối đa, trên 180 nhịp/phút, trước khi thực hiện bất kỳ hành động thể chất nào", Zatsiorsky tiết lộ.
"Họ biết cách đưa cơ thể mình vào trạng thái này, một trạng thái phấn khích tột độ. Bề ngoài thì họ chẳng làm gì cả, họ không cần chạy đà. Họ chỉ đơn giản là sử dụng ý chí để đẩy mình vào trạng thái cực điểm".
Zatsiorsky sau đó đã viết một chuyên luận dài có tên "Khoa học và thực hành rèn luyện sức mạnh", trong đó, khẳng định đa số người bình thường chỉ đang sử dụng được 65% sức mạnh cơ bắp tối đa của mình.
Nhưng đối với một số người đặc biệt, chẳng hạn như những vận động viên cử tạ ưu tú của Liên Xô, họ có thể đẩy con số lên ngưỡng 95%.
Đi tìm giới hạn thực sự của con người
Các nhà khoa học Liên Xô không phải là những người duy nhất quan tâm đến chủ đề sức mạnh tiềm ẩn của con người. Ngay trong thập niên 1960, phía bên kia Bức Màn Sắt, người Mỹ cũng đang thực hiện những chương trình nghiên cứu tương tự của riêng mình.
Dẫn đầu nỗ lực này là giáo sư Arthur H. Steinhaus, một nhà sinh lý học, chuyên gia thể dục thể thao tại Đại học Chicago, đồng thời là cố vấn cho bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ trong các vấn đề về thể lực và phục hồi chức năng cho binh sĩ.
Trong một loạt thí nghiệm với 25 tình nguyện viên thực hiện vào năm 1961, Steinhaus đã chứng minh ông có thể sử dụng các thủ thuật tâm lý để giúp tình nguyện viên tăng thêm tới 26,5% sức mạnh so với mức vốn được cho là tối đa của họ.
Thí nghiệm của Steinhaus bắt đầu với các tình nguyện viên kéo một sợi cáp bằng lực của cẳng tay. Ông yêu cầu họ sử dụng toàn bộ sức lực để kéo sợi cáp căng nhất có thể. Lực kéo kỷ lục của từng người được đo và ghi lại. Sau dó, Steinhaus sẽ tìm cách phá vỡ nó.
Ông đi vòng ra sau phía các tình nguyện viên, cầm một khẩu súng – loại súng phát ra tiếng nổ lớn dùng để báo hiệu xuất phát cho các vận động viên chạy bộ. Steinhaus bắn một phát súng ngay sát bên tai tình nguyện viên khiến họ giật nảy mình. Ngay trong khoảnh khắc đó, ông hét lên và yêu cầu họ kéo lại sợi cáp.
Trong trạng thái sợ hãi này, lực kéo của các tình nguyện viên đã tăng lên trung bình 7,4%.
Bằng một thí nghiệm khác, Steinhaus đã chia nhóm các tình nguyện viên và cho họ uống rượu, tiêm adrenaline – một hormone có nguồn gốc từ tuyến thượng thận và cuối cùng là nuốt amphetamine – một loại thuốc kích thích cùng họ hàng với ma túy đá.
Kết quả là các chất kích thích này đã giúp tình nguyện viên tăng lần lượt 5,6%, 6,5% và cao nhất là 13,5% lực kéo.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Con số cao nhất mà Steinhaus đạt được là từ một thí nghiệm kỳ lạ. Trong đó, các tình nguyện viên không hề sử dụng bất kỳ chất kích thích nào, ngoại trừ tinh thần của họ.
Steinhaus cho biết ông đã liên tục động viên các tình nguyện viên bằng việc nói với họ rằng họ rất khỏe mạnh. Khi tình nguyện viên đạt được trạng thái tới hạn lúc kéo sợi cáp, Steinhaus tiếp tục động viên họ:
"Hãy tiếp tục kéo đi, hãy phá vỡ kỷ lục của chính mình. Mỗi giây đồng hồ trôi qua bạn đều đang mạnh lên. Bạn có thể làm được. Bạn sẽ không cảm thấy đau đớn. Bạn có thể phá kỷ lục…"
Kết quả là các tình nguyện viên đã làm được, họ kéo với 26,5% sức mạnh được gia tăng, cao gấp đôi so với khi sử dụng chất kích thích amphetamine.
Để thuyết phục phần sức mạnh gia tăng này đến từ tinh thần, Steinhaus đã đảo ngược lại thí nghiệm. Ông "thôi miên" các tình nguyện viên bằng việc nói rằng họ quá yếu đuối và rằng họ đừng kéo sợi cáp làm gì, điều đó có thể khiến họ đau.
Lần này, lực kéo của các tình nguyện viên giảm đi trung bình 31,7%.
"Các phát hiện của chúng tôi ủng hộ giả thuyết cho rằng tâm lý chứ không phải sinh lý sẽ quyết định tới hiệu suất tối đa mà con người thể hiện được", Steinhaus viết trong phần kết luận của nghiên cứu đăng trên tạp chí Sinh lý học Ứng dụng năm 1961.
Nửa thập kỷ tiếp theo chứng kiến hàng trăm nghiên cứu cố gắng mở rộng ý tưởng của Steinhaus và Zatsiorsky, trong đó, các nhà khoa học đã tìm mọi cách để "mở khóa" được sức mạnh thể chất tối đa cho con người.
Thế nhưng, các nghiên cứu trong thời kỳ mới này vấp phải một rào cản lớn, đó là vấn đề đạo đức. Các quy định mới về đạo đức trong nghiên cứu khoa học đã ngăn cản các thí nghiệm tương tự như của Steinhaus được tiến hành công khai.
Tiến sĩ Paul Zehr, một giáo sư thần kinh học đồng thời là nhà nghiên cứu sinh lý học vận động thể chất tại Đại học Victoria, Canada, cho biết:
"Không phải là tôi muốn tỏ ra bất kính với các nhà khoa học này, nhưng các phương pháp mà họ dùng để khám phá sức mạnh thể chất của con người hiện không còn phù hợp để áp dụng ở thời điểm hiện đại nữa, do những nguy hiểm [mà chúng có thể gây ra cho tình nguyện viên] và các vấn đề đạo đức có liên quan".
Trong những trường hợp ghi nhận sức mạnh cuồng nộ, hay ngưỡng sức mạnh tối đa về mặt thể chất của con người, giáo sư Zehr cho biết chúng chỉ có thể xuất hiện trong các trường hợp nguy hiểm cực độ. "Nếu bạn đang ở trong tình huống xấu nhất và có thể làm gì đó để được sống, thì bạn mới mạo hiểm mọi thứ bạn có", ông nói.
"Thế nhưng, việc cố gắng tìm hiểu xem một người có thể kích hoạt sức mạnh tối đa của họ đến đâu khi đối mặt với cái chết của bản thân hoặc người thân trong gia đình đòi hỏi các nhà khoa học phải đặt họ vào một tình huống thực như vậy. Điều này là cực kỳ nguy hiểm và rõ ràng là phi đạo đức".
Nguồn gốc của sức mạnh tiềm ẩn
Mặc dù không thể tái hiện được các tình huống cực đoan trong phòng thí nghiệm để xác định giới hạn cực điểm của sức mạnh con người, các nhà khoa học như Paul Zehr đều gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của trạng thái đó.
Thông qua hồ sơ về những trường hợp "cuồng nộ" xảy ra ngoài đời thực, các nhà khoa học cho biết khi con người đối diện với tình huống sinh tử, họ sẽ kích hoạt được trạng thái siêu sức mạnh của mình.
"Phản ứng tương tự cũng có thể xảy ra khi ai đó can thiệp để bảo vệ người khác đang gặp nguy hiểm, vì vậy, nó không chỉ là một trạng thái tự vệ", bác sĩ Massimo Testa, thành viên của Hiệp hội Y học Thể thao Hoa Kỳ nói.
Nhiều nhà khoa học đồng thuận với một giả thuyết giải thích trạng thái siêu sức mạnh này, xoay quanh hoạt động của vùng não dưới đồi và hormone tiết ra từ tuyến thượng thận.
Theo đó, khi các giác quan của con người phát hiện ra tình huống, chẳng hạn như nhìn thấy lửa trong đám cháy, ngửi thấy khói, nghe thấy tiếng la hét, kêu cứu… nó sẽ ngay lập tức kích hoạt vùng não dưới đồi – hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển sự cân bằng và phân bổ năng lượng trong cơ thể bạn.
Khi não dưới đồi nhận thấy tình huống nguy hiểm, nó sẽ cố gắng rút năng lượng từ các bộ phận ít quan trọng hơn cho tình huống sinh tử - chẳng hạn như hệ tiêu hóa, hệ sinh sản và hệ thống điều chỉnh thân nhiệt - để dồn toàn bộ năng lượng đó sang cho các giác quan, hệ thần kinh và hệ vận động được xác định là quan trọng hơn.
Adrenaline và hiện tượng sức mạnh cuồng nộ
Thật vậy, khi đối mặt với tình huống sinh tử, việc tiêu hóa thức ăn, sinh sản hoặc điều chỉnh thân nhiệt chỉ còn là thứ yếu. Bạn sẽ cần năng lượng cho các giác quan để đánh giá tình hình, não bộ để ra quyết định và cơ bắp để thoát ra khỏi tình huống đó.
Vùng não dưới đồi làm điều này bằng cách gửi tín hiệu chỉ đạo của nó đến tuyến thượng thận, một cơ quan nội tiết nằm ngay trên những quả thận của bạn để tiết ra adrenaline. Adrenaline là hormone có tác dụng toàn thân.
Một khi được tuyến thượng thận tiết ra và hòa vào máu, adrenaline sẽ khiến nhịp tim và nhịp thở của bạn tăng cao đột biến. Điều này nhằm giúp nhồi thật nhiều oxy vào phổi, rồi phổi hấp thụ oxy vào máu. Trái tim đập mạnh để đẩy dòng máu giàu oxy tới từng cơ bắp trên người bạn.
Song song với quá trình đó, tuyến thượng thận cũng tiết ra cortisol, một hormone cùng với adrenaline có tác dụng chuyển đổi nhanh glycogen đang được dự trữ trong gan và các cơ bắp thành glucose – hay đường trong máu để cung cấp năng lượng cho cơ bắp hoạt động.
Glucose cộng với oxy tăng cao giúp bạn thực hiện các hoạt động hô hấp hiếu khí bùng nổ, tạo ra sức mạnh đột biến trong từng thớ cơ, tương tự như cách các vận động viên cử tạ. Điều này giúp cơ bắp của bạn trở nên khỏe mạnh phi thường.
Bây giờ, hãy thử áp dụng lý thuyết này vào trường hợp của Đồng Văn Tuấn - người hùng đập tường giải cứu nạn nhân trong đám cháy vừa rồi ở Trung Kính.
Tuấn cho biết vào đêm rạng sáng ngày 24/5, khi mới tan làm ca đêm và đang ăn dở bữa cơm, anh nghe thấy tiếng nổ lớn sau đó là tiếng hô hoán. Không kịp mặc áo, chàng thanh niên 21 tuổi chạy ra ngoài thì nhìn thấy ngọn lửa bùng lên ngùn ngụt ở dãy nhà trọ hàng xóm.
Khi tiếng nổ lớn và hô hoán lọt vào thính giác của Tuấn, hình ảnh ngọn lửa phản xạ trên võng mạc của anh, ngay lập tức kích hoạt vùng não dưới đồi. Não dưới đồi sau đó chỉ đạo tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và cortisol, trong tích tắc kích hoạt "sức mạnh cuồng nộ" cho Tuấn.
Theo nghiên cứu "Hành vi con người trong các vụ cháy nhà", đăng trên tạp chí Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Hoa Kỳ năm 2021, điều đầu tiên mà con người sẽ làm khi phát hiện ra một đám cháy không phải là hoảng loạn bỏ chạy, mà là bình tĩnh đánh giá tình hình.
Với nồng độ adrenaline và cortisol trong máu đang ở mức cao, cả hai hormone này đều giúp các giác quan của Tuấn trở nên nhạy bén hơn. Đồng tử của anh mở to hơn để nhìn rõ hơn trong bóng tối, thính giác của anh cũng nhạy bén hơn cho phép anh nghe thấy tiếng kêu cứu và phát hiện ánh đèn flash từ các nạn nhân trên cửa sổ tầng hai ngôi nhà.
Adrenaline sau đó cũng hỗ trợ não bộ đưa ra các quyết định sáng suốt. Đúng theo nghĩa đen, với nồng độ adrenaline cao hơn trong máu, không chỉ có các cơ bắp của bạn trở nên mạnh mẽ hơn mà não bộ của bạn cũng sẽ trở nên thông minh hơn.
Đây là lúc Tuấn nảy ra ý tưởng trèo thang, dùng búa tạ để phá tường, cứu người.
Sau khi leo được lên thang, với nồng độ oxy và glucose lúc này đã được đẩy cao trong máu, Tuấn có thể một tay cầm búa tạ để đập liên tục vào bức tường của ngôi nhà đang cháy – hành động mà trong trạng thái bình thường, chắc chắn chàng trai cao 1m68 nặng 50 kg không thể thực hiện được.
Tuấn cho biết không biết mình đã đập bao nhiêu phát búa vào tường, nhưng anh đã đập cho tới khi ngón tay bị trật khớp. Lúc này, trong cơ thể Tuấn tiếp tục xảy ra một phản ứng tinh tế. Các nhà khoa học cho biết khi adrenaline và cortisol tăng cao, cơ thể cũng đồng thời tiết ra một hormone gọi là endrophin để phản ứng với nó.
Endrophin có tác dụng như thuốc giảm đau, vì vậy, nó sẽ cho phép Tuấn tiếp tục dùng búa đập tường mà không cảm thấy cơn đau ở ngón tay đã bị trẹo.
Sự xuất hiện của endrophin đã tạo ra phản ứng cộng hưởng, cho phép con người tối đa hóa hiệu năng cơ bắp trên cơ thể mình trong những tình huống nguy hiểm mà không cảm thấy đau đớn – hay đúng hơn là tạm thời trì hoãn sự đau đớn.
Cái giá phải trả cho trạng thái "siêu sức mạnh"
Cần phải nói rằng, một mình Đồng Văn Tuấn không thể có đủ khả năng và sức mạnh để đập thủng bức tường cứu sống 5 nạn nhân trong đám cháy ở Trung Kính. Hỗ trợ anh còn có anh Nguyễn Kim Long, người cung cấp dụng cụ bao gồm búa và thang, anh Hoàng Văn Tuấn, người làm nhiệm vụ giữ thang và anh Phạm Quốc Luật, người đã thay phiên Tuấn đập tường khi Tuấn đã kiệt sức.
Anh Phạm Quốc Luật, người có thể hình to lớn nhất, mới là người quyết định đến khả năng đập thủng được bức tường. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận đóng góp và nỗ lực của Đồng Văn Tuấn. Ý tưởng đập tường là do Tuấn đưa ra trong khoảnh khắc sáng suốt nhất của mình, lúc lượng adrenaline trong máu Tuấn đang tăng cao.
Sau đó, adrenaline giảm xuống, cùng với hiện ứng của cortisol và endrophin cũng mất đi, glucose và oxy không còn đủ để Tuấn tiếp tục quai búa nữa. Anh lúc này đã thấm mệt và cảm nhận được cơn đau ở tay, buộc phải để anh Luật thế chỗ mình.
Các nhà khoa học cho biết cơ thể con người không được lập trình để giữ được trạng thái "siêu sức mạnh" trong thời gian dài. Thay vào đó hiệu ứng adrenaline chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn mà họ gọi là "cơn sốt" - kéo dài trong khoảng từ vài phút cho tới tối đa vài chục phút.
Nếu adrenaline tiếp tục ở trong máu lâu hơn, nó sẽ gây hại nhiều hơn là có có lợi. Bởi adrenaline duy trì nhịp tim cao, nó có thể gây ra tình trạng huyết áp cao, đặt áp lực lên hệ tuần hoàn và làm tổn thương tim và mạch máu.
Kế đó, adrenaline làm mất cân bằng nội môi, nó dồn hết năng lượng vào hệ thống cơ xương của bạn, trong khi rút máu khỏi các bộ phận khác như hệ tiêu hóa, hoặc hệ sinh sản. Đó là lý do tại sao trong tình huống nguy hiểm, nhiều người lại cảm thấy ruột gan trở nên cồn cào, nhịp tim tăng lên và họ bị đổ mồ hôi trộm.
Lâu dài, sự thiếu hụt máu và mất cân bằng do adrenaline gây ra có thể làm tổn thương các cơ quan quan trọng của cơ thể. Ở phía ngược lại, chính sự dư thừa máu tới các cơ bắp cũng có thể khiến chúng bị tổn thương.
Như giáo sư Zehr giải thích, cơ thể bạn giống như một cỗ máy lúc nào cũng chạy ở trạng thái tiết kiệm năng lượng.
Não bộ có khả năng tự giới hạn mức tiêu hao năng lượng và mức độ sinh công tối đa của cơ bắp, giống như cách một con chip ECU trong xe hơi đã được nhà sản xuất cài đặt để giới hạn công suất tối đa mà chiếc xe có thể đạt được.
"Chẳng có lý do gì để phải kích hoạt toàn bộ cơ bắp chỉ để cầm một cốc cà phê lên phải không?", giáo sư Zehr nói. "Các cơ của bạn, cách mà chúng được kích hoạt và vận động, thực sự rất tiết kiệm và hiệu quả".
Chính nhờ sự tiết kiệm này mà cơ thể bạn mới có khả năng dự trữ năng lượng nạp vào từ thức ăn, biến glucose thành glycogen dự trữ ở gan và ở cơ để dự phòng cho các tình huống nguy hiểm.
Do đó, cơ bắp của một người bình thường chỉ phát triển để phù hợp với mức sử dụng từ 60-65% khả năng tối đa của chúng. Ngay cả các vận động viên chuyên nghiệp ưu tú nhất cũng chỉ có thể phát triển cơ bắp tới 80% mức năng lượng tối đa.
Còn khi bạn đã ở trong cơn sốt adrenaline và sử dụng tới gần 100% sức mạnh của mình, điều đó sẽ đặt căng thẳng lên hệ thống cơ bắp và khiến chúng dễ bị tổn thương. Điều này không khác gì với việc độ xe, tăng công suất động cơ bằng cách can thiệp vào ECU, hành động sẽ khiến động cơ xe xuống cấp nhanh chóng.
Trở lại với trường hợp của Đồng Văn Tuấn, chính việc đập búa liên tục bằng một tay đã khiến ngón tay của anh bị trật khớp. Duy trì trạng thái này lâu hơn, chắc chắn anh sẽ gặp các tổn thương nặng hơn. Nghiêm trọng hơn thế, Tuấn có thể ngã khỏi thang khi cơ thể bị kiệt sức.
Giáo sư Hans Selye, cha đẻ của lĩnh vực nghiên cứu căng thẳng học, đã đưa ra một mô hình, được gọi là "General adaptation syndrome (GAS)" hay "Hội chứng thích ứng phổ quát", cho thấy sau cơn sốt adrenaline, nếu cơ thể con người không tự chậm nhịp tim, hơi thở và thư giãn cơ bắp, nó sẽ sớm rơi vào trạng thái kiệt quệ.
Ở trạng thái này, năng lượng của bạn sẽ bị rút cạn. Các triệu chứng thiếu máu cục bộ, co mạch, đau cơ, khó thở sẽ xuất hiện. Hệ miễn dịch của bạn cũng có thể bị suy giảm làm cơ thể mất đi khả năng phòng thủ với bệnh tật.
"Các phản ứng liên tiếp của cơ thể dẫn tới sức mạnh cuồng nộ về bản chất đã loại bỏ các giới hạn an toàn sinh học của cơ thể, do đó, nó cực kỳ nguy hiểm", giáo sư Zehr nói. "Nếu lúc nào cơ thể chúng ta cũng chạy ở ngưỡng tối đa, chúng ta thực sự sẽ không sống được lâu".
Đó là lý do tại sao tiến hóa đã cài sẵn một mức công suất ECU trong não bộ chúng ta, để giới hạn chính sức mạnh tối đa mà cơ thể chúng ta có thể đạt được. Đó cũng là lý do tại sao các nhà khoa học trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh không thể, đơn giản tiêm adrenaline mỗi ngày vào các binh sĩ của mình, để tạo ra những đội quân siêu anh hùng.
Bởi sự nguy hiểm sau khi kích hoạt trạng thái "sức mạnh cuồng nộ", các nhà khoa học như giáo sư Zehr ngày nay đã từ bỏ ý định can thiệp vào hệ thống nội tiết của con người nhằm khai phá tiềm năng siêu sức mạnh ấy.
Thay vào đó, các nỗ lực đang chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, giúp con người có khả năng thiết lập định mức siêu sức mạnh ngay từ đầu, đó là chỉnh sửa gen người. Việc can thiệp vào gen người được cho là có thể giúp chúng ta gia tăng cơ bắp, và sức mạnh tối đa mà cơ bắp có thể đạt được.
Tuy nhiên, một lần nữa, lĩnh vực nghiên cứu này đang vấp phải nhiều chỉ trích về mặt đạo đức. Vì vậy, cho đến khi các nhà khoa học có thể tìm ra được một cách an toàn hơn để "hack" vào cơ thể con người, cách duy nhất để chúng ta "mở khóa" nguồn sức mạnh tiềm tàng của mình - theo giáo sư Zehr - vẫn là... tập luyện.
Ông cho biết về bản chất, tập luyện thể dục thể thao chính là việc luyện tập cho cơ thể làm quen dần với cảm giác đau khi từng định mức giới hạn của nó bị phá vỡ.
Thông qua việc rèn luyện, bạn vừa có thể nâng cao ngưỡng chịu đau - thứ giúp bạn đạt được nhiều hơn tỷ lệ % công suất sinh công so với mức tối đa, vừa có thể nâng cao chính công suất tối đa mà cơ bắp có thể sản sinh, thông qua việc phá vỡ các bó cơ thường xuyên, khiến chúng liên tục thích nghi bằng việc phải tái tạo để to ra.
Nếu bình thường bạn đã sở hữu một cơ thể ốm yếu, thì ngay cả với khả năng trợ giúp của những cơn sốt adrenaline, sức mạnh tối đa mà bạn đạt được ở ngưỡng 100% vẫn không thể bằng mức trung bình 60% của một người có cơ thể khỏe mạnh nhờ thường xuyên chăm chỉ luyện tập.
Luyện tập thể dục thể thao, vì vậy, chính là chiếc chìa khóa mở ra siêu sức mạnh thực sự của con người. Nó sẽ cho phép bạn tự tin hơn trong những tình huống đòi hỏi sức khỏe về mặt thể chất, chẳng hạn như khi đối diện với sinh tử bên trong một đám cháy. Phần còn lại thì... đừng lo, adrenaline trong tuyến thượng thận sẽ giúp bạn.