Chân dung ba nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học 2024.

Nhà khoa học David Baker công tác tại Đại học Washington (Mỹ), Demis Hassabis công tác tại công ty Google DeepMind tại Anh, và John M. Jumper cũng công tác tại Google DeepMind.

Ủy ban giải thưởng cho biết, David Baker đã thành công với kỳ tích gần như không thể, đó là xây dựng các loại protein hoàn toàn mới. Demis Hassabis và John Jumper đã phát triển mô hình AI để giải quyết vấn đề đã tồn tại 50 năm: Dự đoán cấu trúc phức tạp của protein, tạo nên những tiềm năng to lớn.

Protein bao gồm 20 loại axit amin khác nhau, thường được mô tả như những khối tạo nên sự sống. Năm 2003, David Baker thành công trong việc sử dụng những khối này để thiết kế một loại protein mới, không giống bất kỳ loại protein nào khác. Kể từ đó, nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra nhiều loại protein, ứng dụng vào lĩnh vực bào chế dược phẩm, vắc xin, vật liệu nano và cảm biến nhỏ.

Google DeepMind là một công ty trí tuệ nhân tạo của Anh, được thành lập từ năm 2010 với tên DeepMind Technologies.

DeepMind Technologies đã tạo ra mạng thần kinh biết cách học chơi trò chơi video giống như con người. Công ty trở nên nổi tiếng từ năm 2016, sau khi chương trình AlphaGo của họ lần đầu tiên đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp là con người.

Tháng 1/2014, Google thông báo mua lại DeepMind Technologies, sau đó đổi tên công ty thành Google DeepMind.

Demis Hassabis là một trong ba người sáng lập DeepMind Technologies.

John M. Jumper là một nhà nghiên cứu cấp cao tại DeepMind Technologies. Ông cùng các đồng nghiệp tạo ra AlphaFold, một mô hình AI có thể dự đoán các cấu trúc protein từ chuỗi axit amin với độ chính xác cao.

Tạp chí khoa học Nature đã đưa Jumper vào danh sách 10 người có tầm ảnh hưởng trong khoa học trong danh sách thường niên năm 2021.

Giải Nobel Hóa học đã được trao 115 lần cho 192 nhà khoa học trong thời gian từ năm 1901 – 2023. Frederick Sanger và Barry Sharpless hai lần vinh dự nhận được giải thưởng này.

Giải Nobel Hóa học 2023 được trao cho ba nhà khoa học Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Aleksey Yekimov vì có công tìm ra và phát triển các chấm lượng tử, được ứng dụng vào đèn LED, màn hình TV hay hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật khi loại bỏ tế bào ung thư…

Trong mùa giải Nobel năm nay, giải Nobel Vật Lý đã thuộc về hai khoa học John Hopfield và Geoffrey Hinton, vì những khám phá và phát minh mang tính nền tảng cho phương pháp máy học, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo.

Hai nhà khoa học người Mỹ Victor R. Ambros và Gary B. Ruvkun giành giải Nobel Y học nhờ phát hiện về microRNA.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.