Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Trong nhiều năm gần đây, việc ghép SIM cho iPhone lock ngày càng trở nên khó khăn. Lý do là vì Apple đã loại bỏ khay cắm vật lý trên các mẫu máy thuộc thị trường Mỹ, do đó việc phá khoá bằng SIM ghép vật lý không còn hiệu quả như trước. Trên iPhone 14 Pro Max hay iPhone 15 Plus lock, người dùng ghép SIM bằng cách “đục” khe cắm vật lý bên trong máy. Còn với iPhone 15 Pro Max lock, việc bẻ khoá được thực hiện thông qua một “khay sim không dây”.
Khay SIM “bluetooth”, sóng ổn định không khác gì máy quốc tế
Khác với iPhone 15 hay iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro Max bản Mỹ không có không gian cho khay SIM bên trong. Do đó, thương gia không thể ghép SIM bằng cách cắt CNC như truyền thống được. Thay vào đó, họ dùng một giải pháp thú vị hơn: gắn một con chip vào trong bo mạch của iPhone 15 Pro Max, sau đó kết nối chúng với dụng cụ chứa SIM bên ngoài. Mọi thông tin từ cuộc gọi, tin nhắn hay dữ liệu di động sẽ được thực hiện với khay SIM gắn ngoài này, sau đó được truyền và xử lý nhờ con chip gắn bên trong máy.
Vậy nên, có thể coi dụng cụ chứa SIM trên chiếc iPhone 15 Pro Max này là khay SIM không dây. Do hoạt động độc lập, thế nên nó cũng cần điện và có thể sạc lại thông qua cổng USB-C. Về ngoại hình, khay SIM có kích thước tương tự một chiếc thẻ ATM, song dày và thô hơn khá nhiều. Mặt trên có một nút nguồn dùng để bật / tắt, trong khi mặt bên gồm nơi chứa SIM cùng cổng sạc USB-C.
Quá trình ghép SIM trên chiếc iPhone này nhìn chung tương tự với các mẫu máy lock khác. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại mình chỉ có thể sử dụng được 1 SIM vật lý trên chiếc máy này. Nếu để ý một chút đến thanh Control Center, bạn sẽ thấy SIM 2 của thiết bị luôn báo Không có dịch vụ và không có bất cứ vạch sóng nào.
Đổi lại, chất lượng sóng mà thiết bị đem lại là khá tốt, thậm chí là tương đương với máy quốc tế. Mình có thử cắm cùng một chiếc SIM VNSKY trên mẫu iPhone 15 Pro Max này và một mẫu iPhone quốc tế khác thì cả hai cùng nhận 3 vạch sóng. Kể cả khi vào trong thang máy, thiết bị vẫn giữ được kết nối 3G và không bị “văng” ra màn hình chờ kích hoạt như một số mẫu máy lock khác.
Đừng mua iPhone 15 Pro Max lock, chọn iPhone 14 Pro Max hợp lý hơn nhiều
Ở thời điểm hiện tại, iPhone 15 Pro Max lock được một số thương gia rao bán với giá khoảng 24 – 25 triệu đồng (đã bao gồm cả bộ ghép SIM). Con số này tương đương iPhone 14 Pro Max quốc tế và rẻ hơn 10 triệu so với iPhone 15 Pro Max chính hãng.
Tuy nhiên, mình khuyên bạn không nên mua chiếc máy này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, đây là một chiếc máy lock. Thao tác nghe gọi, nhắn tin hay truy cập Internet trên chiếc máy này có thể thiếu ổn định hơn so với một mẫu iPhone quốc tế.
Ngoài ra, do phải tháo máy ra để gắn chip kết nối, chiếc iPhone 15 Pro Max đã bị can thiệp vào bên trong. Rõ ràng, điều này ảnh hưởng nhất định đến tính nguyên vẹn và độ bền của thiết bị. Việc can thiệp vào phần cứng có thể làm tăng nguy cơ hư hỏng cũng như ảnh hưởng đến hiệu suất hay tuổi thọ của máy.
Thứ hai, với mức giá khoảng 25 triệu đồng, bạn đã chọn mua được iPhone 14 Pro Max chính hãng. So với iPhone 15 Pro Max lock, mẫu máy không thua thiệt quá nhiều về camera hay hiệu năng. Đổi lại, người dùng có một chiếc máy mới, đầy đủ bảo hành và yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.
iPhone 15 Pro Max lock sẽ chỉ đáng mua khi mức giá rẻ hơn khoảng 15 triệu đồng so với hàng mới, hoặc iPhone 14 Pro Max không còn bán chính hãng. Khi đó, đây là lựa chọn có thể cân nhắc nếu bạn muốn mua một chiếc iPhone chỉ để chơi game, giải trí hoặc để trải nghiệm, không đề cao nhu cầu dùng SIM.