Larry Page sinh ra vào ngày 26 tháng 3 năm 1973, trong một gia đình có truyền thống về công nghệ. Cả cha và mẹ của ông đều là giảng viên ngành khoa học máy tính tại Đại học bang Michigan, và ngôi nhà của họ tràn ngập máy tính và tạp chí công nghệ, những thứ đã thu hút cậu bé Larry ngay từ khi còn nhỏ. Page được học tại một trường Montessori, một chương trình giáo dục chú trọng vào việc nuôi dưỡng tính độc lập và sáng tạo.

Page tin rằng phương pháp giáo dục này đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và công việc của ông sau này. "Phương pháp đào tạo đó đã dạy tôi không chạy theo luật lệ và mệnh lệnh, mà phải tự giác và đặt câu hỏi về những gì đang diễn ra trên thế giới", ông từng chia sẻ.

Năm 12 tuổi, Page đọc tiểu sử của nhà phát minh thiên tài Nikola Tesla, người đã qua đời trong cảnh nợ nần và bị lãng quên. Cái kết ấy khiến ông bật khóc, và truyền cảm hứng để Page không chỉ muốn tạo ra những công nghệ thay đổi thế giới, mà còn phải am hiểu kinh doanh để quảng bá chúng hiệu quả. "Tôi nhận ra rằng việc phát minh ra mọi thứ không có ý nghĩa gì cả", ông nói. "Bạn thực sự phải đưa chúng ra thế giới và để mọi người sử dụng chúng thì mới có tác động".

Larry Page: Từ cậu bé được dạy dỗ theo phương pháp "nuôi con Montessori" đến phù thủy công nghệ tại Google- Ảnh 1.

Google: Hành trình từ giấc mơ đại học

Trong thời gian học đại học tại Đại học Michigan, Page bắt đầu suy ngẫm về tương lai của ngành giao thông vận tải, một lĩnh vực mà ông vẫn luôn quan tâm. Ông tham gia đội xe năng lượng mặt trời của trường và đề xuất ý tưởng xây dựng một hệ thống "giao thông cá nhân tốc độ cao" giống như đường ray đơn giữa các khuôn viên của trường.

Sau này, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã phát triển xe tự lái thông qua Waymo, công ty trước đây được biết đến với tên gọi dự án Google Self-Driving Car. Alphabet cũng đã thử nghiệm các cải tiến giao thông dựa trên dữ liệu thông qua Sidewalk Labs, dự án đã từ bỏ kế hoạch đầy tham vọng về một khu phố công nghệ cao ở Toronto vào năm 2020.

Sau khi tốt nghiệp, Page chuyển đến phía tây, học tại Đại học Stanford để lấy bằng tiến sĩ. Tại đây, ông gặp Sergey Brin vào năm 1995. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân, cùng nhau say mê khoa học máy tính. Khi 23 tuổi, Page thức giấc từ một giấc mơ và tự hỏi liệu ông có thể "tải xuống toàn bộ trang web" hay không.

Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu ý tưởng xếp hạng các trang web theo số lượng liên kết đến, thay vì số lần chúng chứa một từ khóa được truy vấn. Page đã nhờ Brin giúp đỡ, và họ bắt đầu hợp tác phát triển một công cụ tìm kiếm ban đầu được gọi là BackRub. BackRub sau đó đã trở thành Google, một cách chơi chữ từ thuật ngữ toán học "googol" - biểu thị số 1 theo sau bởi một trăm số 0. Nỗ lực này phản ánh sứ mệnh của Page và Brin "là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho nó có thể truy cập và hữu ích cho mọi người".

Larry Page: Từ cậu bé được dạy dỗ theo phương pháp "nuôi con Montessori" đến phù thủy công nghệ tại Google- Ảnh 2.

Tầm nhìn lãnh đạo và bước chạy vọt của Google

Trong quá khứ, Page từng thừa nhận rằng ông giỏi lên ý tưởng tổng thể hơn là quản lý, một phần vì ông không thích giao tiếp với mọi người. Là một nhà lãnh đạo, ông tập trung vào kết quả và có thiên hướng với những ý tưởng cực kỳ tham vọng. Khi còn là CEO, Page đã viết ra những nguyên tắc quản lý sau đây để dẫn dắt bản thân: "Đừng ủy quyền: Hãy tự mình làm mọi thứ có thể để mọi việc diễn ra nhanh hơn. Đừng cản đường nếu bạn không tạo ra giá trị. Hãy để những người thực sự làm công việc nói chuyện với nhau trong khi bạn đi làm việc khác. Đừng quan liêu. Ý tưởng quan trọng hơn tuổi tác. Việc ai đó ít tuổi hơn không có nghĩa là họ không xứng đáng được tôn trọng và hợp tác. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là ngăn cản ai đó làm điều gì đó bằng cách nói, "Không. Hết chuyện". Nếu bạn nói không, bạn phải giúp họ tìm ra cách tốt hơn để hoàn thành nó".

Page điều hành Google với tư cách là CEO cho đến năm 2001, khi Eric Schmidt được mời đến để lãnh đạo công ty với tư cách là "người giám sát trưởng thành". Ban đầu, Brin và Page tỏ ra thận trọng với tất cả các ứng cử viên CEO, nhưng sau khi đưa Schmidt đến Burning Man, họ cảm thấy rằng ít nhất ông ấy sẽ phù hợp với công ty.

Tuy nhiên, Page không hài lòng khi phải từ bỏ vị trí CEO của mình. Cuối cùng, ông dần quen với việc ít tham gia vào công việc quản lý hàng ngày của công ty. Page vẫn tích cực tham gia vào sản phẩm và tầm nhìn của Google trong thời gian đó. Ông đã dàn xếp việc mua lại công ty Android của Andy Rubin mà không cho Schmidt biết cho đến khi ông chốt được thỏa thuận.

Nhưng sau 10 năm, Page quyết định giành lại danh hiệu CEO vào năm 2011. Page đã tái cấu trúc đội ngũ quản lý cấp cao của công ty và trước khi kết thúc năm 2012, Google đã cho ra mắt một số dự án mới, bao gồm Google Plus, máy tính xách tay Chromebook đầu tiên, Google Glass, dịch vụ internet tốc độ cao Fiber và nhiều hơn nữa.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.