Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Là người đánh giá các sản phẩm công nghệ, tôi cảm thấy rất may mắn khi được trải nghiệm sớm nhiều các thiết bị mới như tai nghe, smartphone, laptop… từ các thương khác nhau. Nhưng đó cũng là con dao 2 lưỡi, vì sau khi sử dụng một loạt các sản phẩm ‘na ná nhau’, chỉ khác biệt đôi chút về vẻ ngoài và tính năng cũng khiến tôi cảm thấy hơi nhàm chán với thị trường công nghệ. Tôi đã không còn nhìn thấy các bước tiến đột phá lớn để có thể thay đổi cách tôi giải trí và làm việc hàng ngày.
Điều này đã thay đổi khi 1 tháng trước, khi tôi được trải nghiệm chiếc máy chơi game cầm tay Lenovo Legion Go. Trong những lần đầu sử dụng, tôi cũng chỉ cho rằng đây là một dòng máy phục vụ cho vấn đề giải trí, thậm chí còn hơi ‘thừa thãi’ vì nó đang cố thực hiện nhiệm vụ của một chiếc laptop gaming.
Nhưng khi có cơ hội sử dụng chiếc máy này trong thời gian dài hơn, tôi mới nhận ra rằng: Đây là một thiết bị đầy tính sáng tạo, ‘khơi gợi’ lại được niềm vui khám phá của tôi với thị trường công nghệ.
‘Cài cắm đủ thứ’ để thành máy tính bàn
Mặc dù được gọi là một chiếc ‘máy chơi game cầm tay’, nhưng Legion Go thực chất là một chiếc máy tính bảng Windows cỡ nhỏ khi có thể tháo rời 2 bên tay cầm ra. Để sử dụng Legion Go làm ‘máy tính bàn’ tôi chỉ cần dùng một chiếc dongle để kết nối bàn phím, chuột, mạng có dây, một màn hình ngoài bằng cổng HDMI và thẻ nhớ SD của máy ảnh.
Set-up này chắc chắn là nhìn sẽ hơi ‘loằng ngoằng’ dây dợ vì dongle có dây ngắn, để gọn hơn chắc chắn tôi sẽ phải chuyển qua một hub chuyên dụng cho việc sử dụng ở bàn, ‘giấu’ được dây ra phía hoặc dưới gầm bàn.
Trước đây tôi cũng thường xuyên sử dụng laptop theo cách này, nhưng Legion Go thậm chí còn tiện hơn vì bản thân máy có kích thước nhỏ nhắn nên có thể đặt ở dưới màn hình lớn mà không chiếm nhiều diện tích bàn. Thậm chí với cách sử dụng này, tôi vẫn có thể tận dụng màn hình của Legion Go thành một màn hình phụ với tính năng cảm ứng, quá tiện!
Công việc hàng ngày của tôi bao gồm chỉnh sửa ảnh, hậu kỳ video và nhập liệu văn bản. Trong lúc làm việc, màn hình rời sẽ trở thành không gian làm việc chính của tôi, còn Legion Go sẽ trở thành ‘trung tâm điều khiển nhạc’ với Spotify hoặc một video Youtube nào đó để làm ‘âm thanh nền’ trong lúc làm việc.
Cấu hình của Legion Go có đủ để sử dụng làm máy làm việc hay không? Vi xử lý AMD Z1 Extreme sử dụng trong Legion Go mặc dù được sản xuất để sử dụng trong những dòng máy chơi game cầm tay nhưng có hiệu năng còn cao hơn tới 12% so với Ryzen 7 5800HS trong chiếc laptop mà tôi vẫn đang sử dụng để làm việc, nên tôi không hề lo lắng về vấn đề này.
Tôi đã thử nghiệm cắt ghép, hậu kỳ và xuất một video phỏng vấn FullHD dài tới 40 phút bằng Premiere Pro trên Legion Go ở chế độ hiệu năng cao và không gặp vấn đề giật lag nặng. Và khi xuất video này ra máy cũng chỉ mất khoảng gần 4 phút, với tôi như vậy là quá đủ để khẳng định rằng máy hoàn toàn đáp ứng được công việc rồi!
Tuy vậy, nhược điểm mà tôi gặp phải lại không nằm ở hiệu năng của vi xử lý mà là lượng RAM. Máy có 16GB RAM nhưng đã phải sử dụng 3GB dùng cho GPU nên chỉ còn 12.7GB RAM khả dụng mà thôi. Với cách sử dụng của tôi bao gồm mở một lúc cả chục tab Chrome, dùng các ứng dụng ‘ngốn’ RAM của Adobe thì như vậy là chưa đủ, tôi thường xuyên gặp tình trạng thiếu RAM và phải tắt bớt một vài ứng dụng để tiếp tục sử dụng. Nếu như máy có lựa chọn 32GB thì tuyệt biết mấy!
Ra quán cà phê một chút
Tháo dongle và đi ra cà phê để chụp hình hoặc ngồi làm việc nhóm, Legion Go sẽ được ‘tận dụng’ làm máy tính bảng và laptop. Trong chế độ máy tính bảng, Legion Go nhìn hơi ‘đời Tống’ vì dày hơn Apple iPad hay Galaxy Tab, bên cạnh đó màn hình cũng chỉ 8.8 inch tức là cỡ ‘mini’ so với các máy tính bảng khác mà thôi.
Tính hữu dụng được tăng lên nhiều khi tôi kết nối bàn phím và chuột không dây để sử dụng máy như một chiếc laptop trên bàn. Cũng giống như sự so sánh với máy tính bảng, Legion Go không có kích thước hiển thị rộng rãi được như laptop (thường từ 14 - 16 inch) nên cũng có những sự hạn chế khi sử dụng máy như thế này.
Đối với tôi, máy tính bảng và laptop là 2 thiết bị ‘phụ trợ’ thôi nên mặc dù gặp nhiều hạn chế nhưng tôi không phàn nàn quá nhiều về Legion Go trong trường hợp này. Tôi vẫn có một chiếc máy có cấu hình cao, sử dụng Windows đa năng chứ không phải hệ điều hành di động cũng như chứa đầy đủ các ứng dụng và tệp tôi đang sử dụng ở chế độ ‘máy tính bàn’ đã đề cập ở trên.
Đi đâu thì cũng có thể ‘cày game’
Trở lại đúng với ‘hình dáng’ thật của nó, Lenovo Legion Go là một chiếc máy chơi game cầm tay khi lắp 2 bên tay cầm lại. Cơ chế lắp tay cầm rất chắc chắn, tạo ra một tiếng ‘click’ và không hề bị lung lay trong suốt quá trình sử dụng.
Với Legion Go, tôi ‘trở lại tuổi thơ’ một chút với những tựa game ‘cổ’ như Pokemon Fire Red hay Teenage Mutant Ninja Turtles. Đây là 2 tựa game tuổi thơ tôi đã từng ‘cày’ trong suốt nhiều năm trên chiếc Game Boy Advance chạy bằng pin tiểu, bị hỏng đèn nền màn hình nên chỉ có thể chơi được khi đem ra nắng. Nếu như bạn nói với tôi lúc 7 tuổi rằng một ngày mọi người có thể chơi game trên một chiếc máy với màn hình lớn tới 8.8 inch, tần số quét 144Hz và cấu hình mạnh hơn cả laptop thì chắc chắn tôi đã không tin đâu!
Trở lại với những tựa game ‘hiện đại’ hơn và tận dụng được sức mạnh phần cứng của máy. Một game tôi rất thích chơi trên chiếc máy cầm tay này là Street Fighter, vì dù sao đây cũng là game được thiết kế dành cho máy console với cách điều khiển giống với Legion Go. Ở đồ họa cao (High) tôi có thể chơi game mượt ở ngưỡng 57 - 60fps, và có thể điều chỉnh lại 1 vài tùy chỉnh nhỏ để đạt ‘dính’ 60fps.
Chuyển qua một tựa game đua xe là Forza Horizon 5, máy có thể đạt 40 - 48fps ở mức đồ họa trung bình và độ phân giải 1600p. Nếu như tôi hạ độ phân giải xuống FullHD (vẫn đủ nét ở kích thước màn hình của máy) thì game sẽ chạy ở ngưỡng 45 - 55fps, và với tôi thì đây đã là mức cài đặt phù hợp nhất với Legion Go rồi.
Việc có thể tháo, lắp tay cầm một cách linh hoạt cũng là một ưu điểm lớn khi chơi game với Legion Go. Khi vừa chơi game vừa đi lại trong nhà hoặc ra ngoài đường thì tôi sẽ lắp tay cầm và đem toàn bộ máy đi. Nhưng ngược lại, khi đã ngồi một chỗ rồi thì tôi có thể đặt máy xuống bàn rồi tháo tay cầm và dùng chúng như những chiếc điều khiển từ xa cho đỡ mỏi tay!
Mặc dù Lenovo nói rằng Legion Go có kích thước vừa đủ để cầm chơi game thoải mái nhưng khi cầm máy trong hàng giờ liền thì ta vẫn cảm thấy mỏi tay, đặt máy xuống và chỉ cầm 2 chiếc tay cầm vẫn hợp lý hơn rất nhiều. Đây là một thiết kế thông minh mà các dòng máy chơi game Windows khác nên học theo Legion Go, mặc dù ai cũng biết rằng Lenovo đã ‘lấy cảm hứng’ từ chiếc Nintendo Switch.
Vẫn tồn tại những điều cần cải thiện
Là sản phẩm máy chơi game cầm tay đầu tiên của Lenovo, Legion Go vẫn không tránh khỏi những lỗi ‘gen 1’ mà hãng cần cải thiện. Đầu tiên, hãng sử dụng một loại nhựa hơi nhám nhẹ, có khả năng chống trơn trượt tốt nhưng cũng vì thế mà bám vân tay khá nhiều. Đây cũng không phải là vấn đề gì lớn cả, chỉ ảnh hưởng đôi chút đến ngoại quan bên ngoài mà thôi.
Những nút bấm trên tay cầm vẫn còn tồn tại một vài điều cần cải tiến: cụm điều hướng (D-Pad) ở tay trái khá nông nên không cho cảm giác ‘đã’ cho lắm; những cần gạt (trigger) có lẽ cần sử dụng lò xo nặng hơn một chút vì hiện tại bấm còn nhẹ; và cuối cùng là ở tay cầm phải có 2 nút ở phía sau điều khiển bằng đốt giữa ngón tay, không thuận tiện cho lắm (những game tôi chơi cũng không sử dụng tới 2 nút này).
Lỗi lớn nhất ở Legion Go trong thời gian tôi sử dụng lại không đến từ phần cứng mà là phần mềm, cụ thể là Windows 11. Trong những ngày đầu, Windows chạy khá giật, lag và đặc biệt là gặp lỗi tự động tắt thanh thông báo, thanh Settings (góc dưới màn hình) khi vẫn đang thao tác.
Hiện tượng giật lag đã được giải quyết hết sau những lần cập nhật phần mềm, nhưng lỗi thứ 2 thì đôi khi vẫn xảy ra gây khó chịu trong quá trình sử dụng. Lenovo vẫn còn thời gian để tung ra các bản cập nhật để sửa lỗi, vì Legion Go hiện chưa được bán ra chính thức tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh việc sửa được những lỗi này, tôi mong rằng ở phiên bản nâng cấp của Legion Go sẽ có thêm phiên bản 32GB để thoải mái sử dụng làm việc như đã đề cập ở trên, cũng như có thêm tấm nền OLED thì sẽ tuyệt biết mấy.
Tôi vẫn đánh giá cao màn hình hiện tại của Legion Go, có độ phân giải cao (2560 x 1600), tần số làm tươi cao 144Hz cùng với việc được cân chỉnh màu sắc nhìn tự nhiên, không bị bệt. Tuy vậy màn hình OLED vẫn sẽ là một nâng cấp lớn về chất lượng hiển thị, hiện cũng đã được các thương hiệu khác áp dụng lên máy chơi game cầm tay của mình, như Steam với chiếc Steam Deck OLED chẳng hạn.
Thiết bị làm tôi cảm thấy hào hứng trở lại với thị trường công nghệ
Bên cạnh smartphone màn hình gập, Legion Go là thiết bị hiếm hoi khiến tôi cảm thấy hào hứng khi sử dụng, vì càng dùng ta càng tìm thấy những cách ứng dụng nó vào cuộc sống mà các thiết bị truyền thống không làm được, hoặc làm không tốt và tiện bằng. Rất mong rằng Lenovo cũng như các nhà sản xuất khác tiếp tục cải tiến và nhân rộng hơn loại sản phẩm như thế này.