Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Trong lịch sử nhân loại, có những dự án khám phá không gian vô cực, cũng có những công trình nhằm chinh phục sự vô hạn của thời gian - và dự án Hầm mộ Thời gian – hay Hầm mộ nền Văn Minh (Crypt of Civilization) chính là một công trình như vậy.
Khi nghiên cứu về nền văn minh Ai Cập cổ đại, Tiến sĩ Thornwell Jacobs giật mình nhận ra rằng có rất ít thông tin chính xác về các nền văn minh cổ đại còn sót lại đến tận ngày nay. Điển hình của điều này là nền văn minh cổ đại của Ai Cập – gần như mọi điều ta biết về cuộc sống của thời kỳ này chỉ dựa trên một vài nguồn thông tin như: các kim tự tháp và một vài phiến đá ghi chép về họ được tìm thấy tại vùng Assyria.
Điều này đưa ông tới một ý tưởng hữu ích – một nơi ghi chép lại về cách chúng ta sống như thế nào để dành cho các nền văn minh trong tương lai – một hầm mộ thời gian ghi lại về nền văn minh hiện tại của nhân loại. Để hiện thực hóa ý tưởng này, 83 năm trước, trong sảnh của Đại học Oglethorpe, Georgia, nơi tiến sĩ Jacobs làm chủ tịch đã quyết định tạo nên căn Hầm Thời gian, nơi sẽ được lấp đầy bằng các hiện vật của cuộc sống trong thập niên 30 để dành cho nhân loại vào 6.000 năm sau.
Được thiết kế giống như một dạng lăng mộ của Pharaoh xưa, căn hầm này chứa các bản ghi của nghệ sĩ kèn Artie Shaw, người từng nổi tiếng trong thập niên 30, các bộ phim ghi lại hình ảnh của những sự kiện từ năm 1898 cho đến lúc đó và các micro phim ghi lại 100 quyển sách. Ngoài ra còn có một mô hình vịt Donald, nhưng không có vàng, đồ trang sức hay hiện vật có giá trị vật chất nào được lưu trữ trong căn hầm này.
Bên cạnh đó, còn có một quyển sổ ghi lại danh sách và mô tả mọi hiện vật cũng như cách sử dụng của chúng cho các thế hệ tương lai sẽ đến trong vài nghìn năm nữa.
Paul Hudson, nhà đồng sáng lập của Hiệp hội Hầm Thời gian Quốc tế thuộc Đại học Oglethorpe, mô tả căn hầm này như có "nhịp đập với cuộc sống. Đó là một sinh vật sống và thở. Nó sẽ còn nhiều tuổi hơn cả tôi và tất cả chúng ta. Bạn có thể tưởng tượng cảnh một nhà nhân chủng học văn hóa sống vào năm 8113 sẽ mở cửa căn hầm này ra không? Nó sẽ giống như một kho báu vô giá. Ngay cả những thứ như chỉ nha khoa cũng sẽ vô cùng hấp dẫn."
Không những thế, ông Jacobs còn lo lắng rằng các thế hệ tương lai trong vài nghìn năm nữa sẽ không thể hiểu được ngôn ngữ ngày nay, làm cho cuốn sách mà ông để lại không khác gì những "cục chặn giấy vô dụng". Giải pháp được ông chọn là một thiết bị có tên gọi "Bộ tích hợp ngôn ngữ".
Thiết bị vận hành bằng tay này sẽ hiển thị hình ảnh của các đồ vật, cũng như tên của chúng bằng tiếng Anh. Đồng thời một giọng đọc trên máy quay đĩa cũng sẽ nói to tên món đồ đó.
Dự kiến căn hầm này sẽ được mở ra vào năm 8113, tức là hơn 6.000 năm nữa tính từ hiện tại. Năm 1936 – thời điểm nghĩ ra ý tưởng này – ông Jacobs giải thích rằng thời điểm đó cũng là năm 6177 tính theo lịch của người Ai Cập cổ. Do vậy, ông muốn bất kỳ ai (hay bất kỳ cái gì) khi mở cửa căn hầm này cũng sẽ có được cái nhìn về thời điểm trung chuyển giữa thời đại của họ với những người Ai Cập cổ đại.
Bốn năm sau khi ông Jacobs đề ra ý tưởng này, thế giới bước vào cuộc đại chiến Thế giới lần 2 đầy khốc liệt, căn Hầm Thời gian cũng được đóng lại với hy vọng các thế hệ tương lai của vài nghìn năm sau sẽ tìm thấy và mở nó ra. Trái ngược với những kỳ vọng lạc quan vào sự trường tồn của nhân loại, tờ ghi chú được ông Jacobs để lại trong căn hầm cho biết: "Thế giới đang dấn thân vào việc tự chôn vùi nền văn minh của mình mãi mãi, và tại đây, trong căn hầm, chúng tôi giao lại nó cho các bạn."