Thị trường iPhone bản khoá mạng (iPhone lock) luôn nhận được sự quan tâm từ người dùng nhờ mức giá rẻ, dễ tiếp cận trong khi vẫn giữ lại gần như mọi yếu tố phần mềm có trên một chiếc máy quốc tế. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: trong năm 2023, liệu iPhone lock còn đáng mua? Và đâu sẽ là những thiết bị iPhone lock tốt nhất với từng nhu cầu sử dụng?

Nên mua khi nào?

Khi bạn không có tài chính quá dư dả

Giá bán luôn là yếu tố hàng đầu khiến người dùng lựa chọn iPhone bản khoá mạng thay vì bản quốc tế. Mức giá chênh lệch giữa hai phiên bản này thường rất cao, chiếm từ 20 – 30% giá trị thiết bị. Thậm chí, con số này có thể lên đến hàng triệu đồng đối với các đời iPhone mới, chẳng hạn như iPhone 13 Pro Max hay iPhone 14 Pro Max.

Một chiếc iPhone 14 Pro lock, với mức giá rẻ hơn cả chục triệu so với hàng quốc tế

Chọn mua một chiếc iPhone khoá mạng đồng nghĩa với việc bạn đã tiết kiệm rất nhiều tiền so với phiên bản chính thức. Với cùng một phân khúc giá, bạn luôn lựa chọn được một chiếc iPhone lock đời mới hơn so với một chiếc iPhone phiên bản quốc tế. Chẳng hạn, trong phân khúc giá 11 triệu, thay vì lựa chọn iPhone 11 chính hãng, họ có thể cân nhắc iPhone 13 lock, với những trang bị phần cứng vượt trội hoàn toàn trong khi mức giá không chênh lệch quá nhiều.

Khi bạn chỉ có nhu cầu nghe gọi cơ bản

Những chiếc iPhone lock vốn không sinh ra cho nhu cầu nghe gọi, nhắn tin cường độ cao. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chúng vẫn là lựa chọn tốt với những người có nhu cầu liên lạc cơ bản.

Cần nhấn mạnh rằng các mẫu SIM ghép đời mới đã có khả năng xử lý các lỗi vặt hiện hữu trên iPhone lock, từ lỗi chuyển đổi mã vùng +84 cho đến văng màn hình kích hoạt khi mất sóng. Thậm chí, một số mẫu iPhone tương thích SIM ghép tốt có thể khắc phục triệt để những vấn đề trên, cho ra trải nghiệm sử dụng gần như không khác biệt so với iPhone chính hãng.

Bên cạnh đó, trên thực tế, nhu cầu liên lạc trên smartphone của chúng ta đang dần chuyển dịch từ nền tảng vật lý (nghe gọi qua SIM) sang các nền tảng trực tuyến (mạng xã hội, ứng dụng OTT). Thay vì nhắn tin, nghe gọi qua SIM truyền thống, giờ đây chúng ta có vô vàn phương thức liên lạc khác nhau, từ trao đổi thư từ qua e-mail, nhắn tin qua ứng dụng OTT cho đến gọi điện qua các dịch vụ trực tuyến như Zalo hay Viber.

Zalo, một nền tảng OTT phổ biến

Vậy nên, với một số đối tượng người dùng, đặc biệt là giới trẻ, nghe gọi qua SIM dường như không còn là ưu tiên hàng đầu khi chọn mua điện thoại. Họ có thể lựa chọn iPhone lock, với mức giá rẻ hơn rất nhiều trong khi khả năng liên lạc không thua kém quá nhiều so với phiên bản quốc tế.

Không nên mua khi nào?

Khi bạn cần sử dụng iPhone làm máy chính

Nhưng dù gì đi nữa, iPhone lock vẫn tồn tại những nhược điểm mà không dễ để khắc phục.

    Đã khá lâu chúng ta không thấy mã ICCID bị rò rỉ. Giải thích đơn giản, ICCID là một đoạn mã giúp người dùng “hô biến” iPhone lock thành iPhone quốc tế, loại bỏ những lỗi vặt phía trên mà không cần dùng tới SIM ghép. Việc Apple ngày càng nâng cao hàng rào bảo mật trên iOS khiến ICCID ngày càng khó để bị lộ, và chúng ta có thể chờ thêm rất lâu nữa trước khi một mã ICCID được phát hành.
    Cường độ sóng trên iPhone lock chắc chắn sẽ không thể bằng so với iPhone quốc tế. Điều này có thể gây nhiều phiền toái cho người dùng, đặc biệt khi sử dụng trong hầm chung cư, thang máy hay các tầng cao của toà nhà. Thậm chí, với những phôi SIM ghép đời cũ, thiết bị sẽ liên tục bị “văng” ra màn hình kích hoạt và người dùng sẽ phải mất công để “ghép” lại chiếc SIM đó.

Đó chỉ là hai trong số nhiều nhược điểm mà iPhone lock chưa thể khắc phục được. Nếu xác định mua một chiếc iPhone làm máy phụ hoặc không dùng SIM, bạn có thể bỏ qua. Nhưng nếu bạn xác định mua iPhone lock làm máy chính, hãy cân nhắc thật kỹ, lường trước những lỗi mình có thể gặp phải, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt nhất

Đọc thêm: Cách phân biệt iPhone Lock với iPhone quốc tế dễ dàng nhất

Khi bạn cần một chiếc iPhone chính hãng

Về bản chất, iPhone lock là hàng cũ. Do vậy, chúng có thể tiềm ẩn những rủi ro về hỏng hóc, lỗi phần mềm cho đến mua phải hàng dựng. Người dùng cũng sẽ không được hưởng một số quyền lợi của hàng chính hãng, từ bảo hành cho đến đổi mới sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng với những mẫu iPhone như 13 Pro hay 13 Pro Max, nếu thiết bị gặp phải sự cố như hỏng màn, việc tiếp cận dịch vụ bảo hành chính hãng gần như không thể và người dùng sẽ phải chi trả hàng triệu đồng để thay thế dịch vụ.

Vậy nên, nếu bạn yêu cầu một chiếc iPhone ổn định, an toàn và đảm bảo đầy đủ yếu tố liên quan đến bảo hành hay hậu mãi, phân khúc hàng chính hãng sẽ luôn là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.

Đâu là những mẫu iPhone lock đáng mua nhất?

Dưới đây sẽ là những mẫu iPhone lock đáng mua nhất bạn có thể tham khảo:

iPhone XR (khoảng 4 triệu đồng)

Với những người không có nhu cầu sử dụng quá cao, iPhone XR lock sẽ là sự lựa chọn hoàn toàn hợp lý. So với một số đối thủ trong phân khúc tới từ Samsung hay Xiaomi, iPhone XR vẫn nổi bật với hiệu năng đủ tốt, khả năng quay video vượt trội và hệ điều hành iOS ổn định hàng đầu. Mức giá trên dưới 4 triệu đồng cũng là hoàn toàn xứng đáng so với những gì mà mẫu máy thể hiện, ngoại trừ việc phải sử dụng thêm SIM ghép.

iPhone 11 (khoảng 5,5 triệu đồng)

Người dùng có thể dễ dàng lựa chọn iPhone 11 lock với mức giá trên dưới 5,5 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 2 triệu so với hàng cũ, quốc tế và chỉ bằng phần nửa so với hàng chính hãng. Đây vẫn sẽ là lựa chọn hợp lý nếu bạn cần một mẫu máy ổn định, quay chụp tốt, hỗ trợ lâu dài và đặc biệt, mức giá hợp lý.

iPhone 12 (khoảng 8 triệu đồng)

Mức giá cho iPhone 12 lock cũng thấp hơn rất nhiều so với phiên bản hàng quốc tế hay hàng chính hãng. Cần nhớ rằng, với cùng số tiền này, chúng ta chỉ mua được iPhone XS Max hoặc iPhone 11 hàng cũ. Và nếu xét trên thông số phần cứng lẫn trải nghiệm thực tế, chúng đều thua xa so với iPhone 12 lock.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.