Trên một xavan ở tỉnh Polokwane, phía bắc Nam Phi nơi có biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Zimbabwe, một con tê giác trắng hai sừng vừa bị bắn thuốc mê nằm gục xuống đám cỏ.

Một đội đặc nhiệm khoảng 5 người ngay lập tức tiếp cận hiện trường. Họ mặc trên mình những chiếc áo kaki màu ghi, đội mũ lưỡi trai màu cỏ úa. Nổi bật trên bộ đồng phục là chiếc logo màu cam được thêu bằng chỉ phản quang:

Hình của một con tê giác, bên dưới là dòng chữ "The Rhisotope Project". Nó có nghĩa "Dự án Tê giác Phóng xạ".

Chỉ huy nhiệm vụ này là James Larkin, một giáo sư đến từ Khoa Vật lý Bức xạ và Sức khỏe của Đại học Witwatersrand. Ông đang đợi những đồng đội của mình hoàn thành công tác chuẩn bị.

Hai người phối hợp để nhấc đầu con tê giác nhổm dậy, họ quấn một chiếc băng bịt mắt có lỗ để xỏ qua sừng con tê giác. Hai bên tai của con vật khổng lồ cũng bị nút kín lại.

Khi các giác quan của sinh vật đã bị phong tỏa, một người lấy ra chiếc khoan điện và khoan hai lỗ nhỏ trên chiếc sừng dài của con tê giác. Bây giờ mới đến bước quan trọng nhất:

Giáo sư Larkin mở chiếc va li mà ông đã đặt ở dưới đất. Chiếc va li màu đỏ, in trên đó một một logo có ba lưỡi dao màu vàng – biểu tượng ISO 361 thể hiện thứ vật chất bên trong đó có tính phóng xạ.

Một chiếc lọ nhỏ được được nhấc ra khỏi đó. Giáo sư Larkin cẩn thận tháo lớp niêm phong. Ông mở nắp lọ, lấy một chiếc nhíp và khéo léo gắp ra mảnh vật chất nhỏ bằng đầu của một chiếc bút chì, sáng lấp lánh sáng tựa như màu vàng của chiếc logo thêu trên áo đội đặc nhiệm. 

Đó là Cobalt-60! Giáo sư Larkin nói: "Mảnh vật chất này chứa những nguyên tử không ổn định trong điều kiện tự nhiên. Nó đang liên tục phân rã và phát ra những tia gamma phóng xạ".

Sau khi đặt hai mảnh Co-60 vào sâu trong chiếc lỗ vừa mới khoan trên sừng con tê giác, giáo sư Larkin bóp một tuýp keo để trám hai chiếc lỗ lại.

Đội đặc nhiệm đợi cho tới khi con tê giác tỉnh dậy. Họ sẽ đánh giá những chức năng sống tổng thể của nó, nhịp tim, khả năng giữ thăng bằng sau khi thuốc mê hết tác dụng.

Con tê giác sau đó sẽ được tháo nút tai và bịt mắt. Một nhóm bác sĩ thú y sẽ còn thay phiên theo dõi sức khỏe của nó 24/7, liên tục trong vòng 6 tháng. Bởi kể từ giây phút này, con tê giác trắng phương nam đã trở thành "Rhisotope" – một con "tê giác phóng xạ".

Một phần câu trả lời đã được tiết lộ tại địa điểm mà con tê giác được tìm thấy, phía bắc Nam Phi, nơi có biên giới tiếp giáp với Zimbabwe. Các nhà khoa học cho biết mục đích chính của dự án Rhisotope là để ngăn chặn nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác xuyên biên giới.

Theo số liệu của Tổ chức Tê giác Quốc tế, Nam Phi là nơi có quần thể tê giác lớn nhất hành tinh, chiếm lần lượt khoảng 80% và 33% trong tổng số 16.800 con tê giác trắng và 6.500 con tê giác đen còn sống trên Trái Đất. Điều này biến đất nước Châu Phi này trở thành điểm nóng của những kẻ săn trộm.

Nam Phi hiện là quốc gia sở hữu quần thể tê giác lớn nhất hành tinh.

Bộ Môi trường Nam Phi cho biết chính phủ nước này đã nỗ lực giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Mặc dù vậy, năm ngoái vẫn có gần 500 con tê giác bị giết chết để lấy sừng, chủ yếu ở các công viên và khu bảo tồn thiên nhiên do nhà nước quản lý.

Con số tăng 11% so với năm 2022. Tính từ năm 2008 đến nay, gần 10.000 con tê giác ở Nam Phi đã bị giết hại. Sừng của chúng được thu thập để bán ra thị trường chợ đen khắp thế giới, trong một mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn thứ ba toàn cầu.

Giáo sư Larkin cho biết: "Cứ 20 giờ trôi qua lại có một con tê giác ở Nam Phi bị giết chết để trộm sừng. Những chiếc sừng bị săn trộm này sau đó được buôn bán trên khắp thế giới".

Để ngăn chặn điều đó, Dự án Rhisotope đang thí điểm việc đặt vật chất phóng xạ vào bên trong sừng tê giác để kiểm soát đường đi của mặt hàng bất hợp pháp này.

Ý tưởng tận dụng mạng lưới có sẵn của hơn 10.000 máy dò bức xạ đã được lắp đặt tại các cảng biển, sân bay, cộng với máy dò bức xạ cầm tay của nhân viên hải quan và lực lượng biên phòng. 

Hệ thống toàn cầu này đang được sử dụng để chống lại việc vận chuyển trái phép vật chất phóng xạ, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ xa.

Tuy nhiên, giáo sư Larkin cho biết chúng cũng có thể được sử dụng để phát hiện ra sừng tê giác buôn lậu, nếu họ đặt những "con chip phóng xạ" vào sừng của mỗi con tê giác khi còn sống, ở một "liều đủ mạnh để kích hoạt các máy dò được lắp đặt trên toàn cầu".

"Nếu có một con tê giác [phóng xạ] bị săn trộm, chiếc sừng của nó sẽ trở nên dễ theo dõi và dễ bị phát hiện hơn khi nó di chuyển theo con đường của những kẻ buôn lậu", giáo sư Larkin nhấn mạnh.

Nhà bảo tồn động vật hoang dã Arrie Van Deventer, người sáng lập khu bảo tồn tê giác ở Polokwane cho biết. Trong suốt nhiều thập kỷ, Nam Phi đã thử nghiệm nhiều biện pháp khác nhau để chống nạn săn trộm tê giác.

Họ đã từng cưa sừng, thậm chí tiêm thuốc độc vào sừng của những con vật này, nhưng các biện pháp này gần như không có tác dụng. Những kẻ săn trộm có thể đợi sừng tê giác mọc dài trở lại, trong khoảng thời gian 18 tháng.

Chúng cũng bất chấp việc sừng tê giác đã bị tiêm thuốc độc, tiếp tục đột nhập các khu bảo tồn, bắn thuốc mê rồi dùng cưa máy để cưa tận chân sừng của những con tê giác xấu số.

Sau khi tỉnh dậy, những con tê giác này nếu may mắn còn sống cũng sẽ phải chịu đựng một vết cắt xẻo lớn đầy máu trên mặt. Đa số sau đó cũng sẽ chết vì mất máu và nguy cơ nhiễm trùng.

Nhiều con tê giác thậm chí đã bị kẻ săn trộm bắn chết trước khi cưa sừng - bất chấp một thực tế, chúng có thể tha mạng cho những con tê giác nếu chỉ cưa từ giữa. Sừng tê giác sau đó sẽ mọc trở lại và con vật không gặp rủi ro về sức khỏe.

Đa số tê giác bị cưa sừng sẽ chết vì mất máu hoặc nhiễm trùng.

Tính ưu việt của Dự án Rhisotope so với các biện pháp trước đây nằm ở tác dụng cảnh báo cao của nó. Giáo sư Larkin cho biết "phóng xạ" là cụm từ mà tất cả mọi người đều sợ hãi, từ kẻ săn trộm, người thu mua, đến người sử dụng sản phẩm cuối cùng từ sừng tê giác buôn lậu.

Họ đã tiến hành đặt biển báo khu vực có "tê giác phóng xạ", phối hợp với các nỗ lực truyền thông khác nhau.

"Chúng tôi đã giới thiệu một số điểm bổ sung vào chuỗi cung ứng, từ kẻ săn trộm đến người dùng cuối, chỉ cho họ thấy rủi ro của việc vận chuyển buôn bán và sử dụng [sừng tê giác phóng xạ], nếu bị bắt, khung hình của việc tàng trữ vật liệu phóng xạ sẽ cao hơn. Ở Nam Phi, bạn sẽ nghiễm nhiên bị liệt vào tội chống phá nhà nước chứ không chỉ còn là các hình phạt liên quan đến luật môi trường", giáo sư Larkin nói.

Về phía người dùng, "việc sừng tê giác có phóng xạ sẽ khiến cho nó trở nên vô dụng… và về cơ bản độc hại với con người", Nithaya Chetty, một thành viên dự án Rhisotope, đồng thời là giáo sư trưởng khoa Khoa học tại Đại học Witwatersrand cho biết.

Tại nhiều quốc gia Châu Âu, sừng tê giác thường được sử dụng để làm vật trang trí. Trong khi đó, tại Châu Á, nó thường được mài ra để làm thuốc uống chữa bệnh. Việc giữ một mẩu vật chất phóng xạ trong nhà hoặc uống nó vào người rõ ràng không phải một ý tưởng hay.

"Mục đích cuối cùng của chúng tôi là làm cho sừng tê giác mất giá trị trong mắt người sử dụng", giáo sư Larkin nói. "Có lẽ biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn triệt để nạn săn trộm tê giác hiện nay", Deventer cho biết thêm.

"Giá trị trong mắt người sử dụng" là cụm từ mà giáo sư Larkin đã nhắc đến. Nó phản ánh sự đắt đỏ vô lý của sừng tê giác tại số thị trường, nơi sản phẩm có thành phần chủ yếu là keratin (giống với lông, tóc và móng tay) lại được tin là có công dụng chữa bách bệnh.

Niềm tin này xuất phát từ nền y học cổ truyền của Trung Quốc, khi các thầy thuốc cổ đại đưa bột sừng tê giác vào dược điển, cùng với các sản phẩm từ động vật quý hiếm khác như cao hổ và mật gấu.

Bột sừng tê giác nếm có vị đắng nên được Đông Y xếp vào nhóm "hàn tính". Trong một nền y học dựa trên điều hòa cân bằng âm-dương, một chất có tính hàn sẽ cho một loạt các công dụng "thanh nhiệt", từ hạ sốt, đào thải độc tố, điều trị chứng mê sảng cho tới chứng đau đầu, co giật và động kinh.

Trải qua thời gian và bị ảnh hưởng bởi văn hóa, sừng tê giác còn được sử dụng với mục đích tráng dương, dựa trên niềm tin đồn thổi rằng nó có tác dụng như viagra. Ngoài ra, nhiều người còn mài sừng tê, pha vào nước uống với hi vọng hỗn hợp giúp giải rượu.

Một số người mắc bệnh nan y như ung thư, tai biến hoặc đột quỵ cũng sẽ sử dụng sừng tê giác trong nỗ lực cuối cùng của họ, bất chấp việc không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh cho công dụng dân gian của sừng tê giác.

Mặc dù vậy, cũng giống như nhiều thị trường vận hành bởi niềm tin, tác dụng đồn thổi có thể khiến giá thành sừng tê giác cao một cách vô lý, tỷ lệ thuận với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi y học cổ truyền Trung Quốc.

Một báo cáo được gửi tới hội thảo về Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 2022 cho biết giá bán buôn sừng tê giác tại Trung Quốc có thể lên tới gần 21.000 USD/kg.

Tại Việt Nam, đất nước giáp ranh chịu ảnh hưởng lớn bởi y học cổ truyền Trung Quốc, giá của sừng tê giác cũng từng có thời điểm lên tới hơn 22.000 USD/kg (tương đương 500 triệu VNĐ).

Và đó mới chỉ là những con số bán buôn. Theo một báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã WildAid, bột nghiền của sừng tê giác có thể được bán lẻ ở Việt Nam với giá hơn 1,4 tỷ VNĐ/kg vào năm 2013 (đắt gấp rưỡi so với vàng và đắt hơn cả platinum, kim cương thậm chí là cocaine). 

Đất nước đã phải mất gần một thập kỷ để đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã để giải quyết "cơn sốt" sừng tê giác. Trong đó có nỗ lực sửa đổi bổ sung Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, tăng mức khung hình phạt đối với đối tượng buôn bán tàng trữ sừng tê giác để đạt được hiệu quả răn đe.

Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sừng tê giác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Đây là mức hình phạt cao gấp đôi so với quy định cũ, đã được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đánh giá cao.

Tại Lào, Thái Lan và Malaysia, các quốc gia chịu ảnh hưởng ít hơn bởi nền y học cổ truyền Trung Hoa, giá sừng tê giác chỉ loanh quanh mức 10.000 USD/kg. Trong khi đó ở Nam Phi, con số cao nhất cũng chưa tới 4.000 USD/kg.

Trái ngược với đó, tại các quốc gia Châu Âu, nơi mà nền y khoa của Phương Tây thống trị, không có bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có công dụng chữa bệnh. Những chiếc sừng này vì vậy chỉ được dùng như một vật sưu tầm trang trí.

Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Cơn sốt sừng tê giác ở các quốc gia Châu Á trong hàng thế kỷ đã kích hoạt một làn sóng trộm cắp ở Châu Âu, nơi đã có ít nhất 72 vụ đánh cắp sừng tê giác được báo cáo.

Những kẻ bịt mặt đập cửa kính của các cửa hàng thú nhồi bông, đột nhập vào dinh thự của những nhà sưu tập tư nhân, tấn công nhân viên viện bảo tàng chỉ để lấy trộm những chiếc sừng tê giác bụi bặm đang trưng bày ở đó.

Những chiếc sừng này vốn chẳng có mấy giá trị ở Châu Âu, nhưng nếu có thể bán ngược lại cho các quốc gia Châu Á, mỗi chiếc sẽ có giá lên tới 300.000 USD, ở các thị trường mà bột của chúng được tin là có khả năng chữa bách bệnh.

Không khó để nhận ra đó là một ý tưởng phản trực giác. Những người Châu Á đang mài sừng tê giác lấy bột uống với hi vọng chữa bệnh, bây giờ, sẽ phải coi chừng khi những chiếc sừng đó có thể chứa vật chất phóng xạ.

Cobalt-60, vật chất mà các nhà khoa học Nam Phi đang đặt vào sừng của những con tê giác của họ, là một đồng vị phóng xạ mạnh. Nó có khả năng phát ra tia gamma có năng lượng khoảng 1,3 MeV và có khả năng xuyên thấu cao.

Chính vì đặc tính này, Co-60 thường được sử dụng trong các thiết bị chụp X-quang công nghiệp, làm nguồn xạ trị ung thư, chiếu xạ khử trùng máu và khử trùng thực phẩm. Một số nguồn bức xạ Co-60 được dùng để tiêu diệt côn trùng gây hại.

Tùy vào liều tiếp xúc, Co-60 cũng có thể gây ra tình trạng nhiễm xạ cấp tính. Người nào phơi nhiễm với Co-60 liều cao có thể sẽ bị bỏng da và tử vong trong chưa đầy 1 giờ.

Nhiễm xạ mạn tính xảy ra khi Co-60 được hấp thụ vào cơ thể và đọng lại ở gan, thận và xương. Tiếp xúc với tia gamma mà nó phát ra trong thời gian dài có thể dẫn tới ung thư.

Mặc dù không tiết lộ liều phóng xạ Co-60 mà họ đã đặt vào sừng của những con tê giác, các nhà khoa học Nam Phi cho biết nó đủ để các máy dò phóng xạ ở sân bay và thiết bị cầm tay của lực lượng hải quan và biên phòng phát hiện ra.

"Liều lượng phóng xạ đang được xem xét để sử dụng trong dự án này sẽ cao hơn một chút so với giới hạn trên mà con người có thể tiếp xúc với bức xạ nền xung quanh môi trường, từ các nguyên tố phóng xạ tự nhiên trong lòng Trái Đất và từ tia bức xạ bên ngoài vũ trụ chiếu qua bầu khí quyển", trang web của dự án Rhisotope viết.

Các nhà khoa học nhấn mạnh việc họ đặt chất phóng xạ không nhằm mục đích gây hại cho người tiêu thụ sản phẩm từ sừng tê giác, nhưng nếu có ai đó thực sự ăn phải một lượng đủ sừng tê giác phóng xạ, người đó sẽ phát bệnh.

"Mục đích thực sự của dự án không phải là gây hại cho người dùng cuối mà là sử dụng nỗi sợ hãi tự nhiên của họ đối với vật liệu phóng xạ, để ngăn cản họ muốn mua hoặc sở hữu sừng phóng xạ ngay từ đầu", các nhà nghiên cứu cho biết.

Năm 2019, Việt Nam từng ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 22 tháng tuổi bị ngộ độc sau khi được cha mẹ cho uống bột mài từ sừng tê giác để hạ sốt. Kết quả là bệnh nhi này đã phải được đưa đi cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, xanh tím toàn thân.

Xét nghiệm máu tại bệnh viện cho thấy nồng độ Methemoglobin trong máu bệnh nhi cao bất thường, gấp 10 lần giá trị bình thường. Các bác sĩ cho biết Methemoglobinemia là một rối loạn máu hình thành là do sắt hoá trị 2 của hemoglobin (trong hồng cầu bình thường) bị hóa thành sắt hóa trị 3 và không còn khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy.

Tình trạng này xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất hoặc thực phẩm. Trong trường hợp bé 22 tháng tuổi uống bột mài từ sừng tê giác, các bác sĩ đã phải cho bé truyền dịch, thở máy, lọc máu và sử dụng than hoạt tính hấp thụ độc chất. Mất 5 ngày để tình trạng ngộ độc sừng tê giác thuyên giảm.

Mặc dù không có mối liên hệ nào được tìm thấy giữa ca bệnh này và dự án Rhisotope, nhưng việc vô tình tiêu thụ phải sừng tê giác chứa phóng xạ có thể đặt ra những hình huống tương tự, khi sản phẩm được dùng với hi vọng chữa bệnh lại gây hại cho người sử dụng cuối cùng.

Trở lại với xavan ở biên giới Nam Phi, trong khi đợi liều thuốc mê hết tác dụng với con tê giác vừa được gắn chip phóng xạ, giáo sư Larkin không giấu nổi xúc động khi ngồi cạnh nó, "một sinh vật đáng kinh ngạc", ông nói trong khi cố chống lại việc phải khóc.

Những con tê giác đã đi bộ trên mặt đất hơn 20 triệu năm, sớm hơn tổ tiên đầu tiên của loài người 15 triệu năm và dân số của chúng mới chỉ giảm mạnh trong khoảng vài chục năm trở lại đây.

Với thân hình khổng lồ, dài trung bình 4 mét, cao 2 mét và nặng 1,6 tấn, tê giác trưởng thành không có bất kỳ thiên địch nào ngoài tự nhiên ngoại trừ con người. 

Thế nhưng bắt đầu từ thế kỷ 20, cơn sốt sừng tê giác đã khiến số lượng loài sinh vật này suy giảm mạnh. Từ quần thể hơn nửa triệu con vào năm 1900, dân số tê giác đã giảm xuống chỉ còn 70.000 con vào năm 1970, hiện chỉ còn khoảng 27.000 con. Nhiều loài tê giác hiện đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên do nạn săn bắn trộm.

"Nhưng những con tê giác này vẫn đang còn ở đây", giáo sư Larkin nói. Và nó cho chúng ta thêm một cơ hội nữa để bảo vệ chúng.

Dự án Rhisotope đã đi được hành trình kéo dài hơn 3 năm. Kể từ đó cho tới nay, những con tê giác đầu tiên được đặt chất phóng xạ vào sừng vẫn đang sống khỏe mạnh.

Đã có những nghi ngờ về việc phóng xạ sẽ ảnh hưởng thế nào đến bản thân con tê giác, giáo sư Larkin nói. "Nhưng qua nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, chúng tôi đã đảm bảo rằng các đồng vị phóng xạ được đưa vào không gây hại cho sức khỏe, hoặc gây ra bất kỳ rủi ro nào khác cho các con vật hoặc những người chăm sóc chúng".

Sau khi được cấy chip phóng xạ, những con tê giác đã được thả về tự nhiên và một đội ngũ bác sĩ thú y chuyên nghiệp tiếp tục theo dõi chúng 24/7.

Liều lượng bức xạ đã được tính toán cẩn thận dựa trên các mô hình máy tính, và được giám sát bởi ba tổ chức nghiên cứu độc lập khác nhau trên thế giới, một tại Đại học Colorado của Mỹ, một tại Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Ansto của Australia và một từ Trung tâm Khoa học và Công nghệ Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân YAFI của Nga.

Điều này đảm bảo cho những con tê giác sống khỏe sẽ tiếp tục sinh sản ra những thế hệ tê giác khỏe mạnh tiếp theo. "Nếu nghiên cứu cho thấy động vật sẽ bị tổn hại hoặc chết do bức xạ, thì dự án sẽ phải dừng lại ngay lập tức. Nếu một con vật không thể sống và sinh sản thì mục tiêu bảo tồn của dựa án cũng sẽ thất bại", các nhà nghiên cứu cho biết.

Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe cho bản thân con tê giác được đặt phóng xạ, giáo sư Larkin cũng đang thực hiện nhiều công việc để đánh giá tác động môi trường mà các mảnh vật liệu có thể tạo ra. 

Cho đến thời điểm hiện tại, ông có thể khẳng định phóng xạ được đặt vào sừng tê giác không gây ảnh hưởng cho các sinh vật xung quanh, bao gồm cả những nhân viên khu bảo tồn, các bác sĩ trực tiếp tham gia chăm sóc chúng.

"Miễn là các bác sĩ thú y hoặc thành viên trong nhóm không nắm tay vào sừng những con tê giác này và giữ trong hàng giờ đồng hồ, họ sẽ an toàn khi tiếp xúc với chúng", giáo sư Larkin nói.

Nếu chứng minh được tính khả thi, dự án thí điểm trên 20 con tê giác hiện tại sẽ được mở rộng ra khắp Nam Phi. Có thể có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con tê giác được đặt vật liệu phóng xạ.

Điều này đặt ra một vấn đề mới: Liệu những kẻ trộm sừng tê giác có thể chiết tách đồng vị phóng xạ ra để bán cả sừng lẫn Co-60 hay không? 

Về mặt lý thuyết, điều đó có thể xảy ra. Nhưng các nhà khoa học cho biết việc tách vật liệu phóng xạ đòi hỏi một phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ, với các thiết bị trị giá hàng ngàn USD. 

Lượng vật liệu sau đó được chiết xuất sẽ không đáng với chi phí và công sức bỏ ra, do đó sẽ không gây ra mối đe dọa an ninh đáng kể cho bất kỳ ai. Ngược lại, việc tàng trữ và sở hữu vật liệu phóng xạ bất hợp pháp sau đó sẽ khiến người đó phải chịu thêm hậu quả pháp lý.

Cuối cùng, giáo sư Larkin hi vọng việc đặt vật chất phóng xạ sẽ không chỉ giới hạn ở loài tê giác. 

"Các đồng vị phóng xạ này cung cấp một phương pháp giá cả phải chăng, an toàn và dễ áp dụng để tạo ra các chỉ dấu nhận biết lâu dài đối với chất sừng mà không gây hại cho động vật cũng như môi trường", ông nói. 

"Ở giai đoạn sau, dự án sẽ được mở rộng sang voi, tê tê và các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng khác".

Tổng hợp

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.