Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Communication, các nhà khoa học cho biết với tốc độ nóng lên của Trái Đất và băng ở hai cực đang tan, Bắc Băng Dương có thể sẽ phải đối mặt với một ngày không hề có băng đầu tiên trong thập kỷ này.
Nghiên cứu của các nhà khí hậu học đến từ Đại học Colorado Boulder và Đại học Gothenburg, Hoa Kỳ đã sử dụng các mô hình máy tính để theo dõi và lên kịch bản băng tan ở Bắc Cực. Họ đặt ra một bối cảnh "ngày không băng", trong đó, kịch bản cho thấy trong một vùng từng là băng biển rộng 1 triệu km2 ở Bắc Băng Dương không thể nhìn thấy bất kỳ một tảng băng nào.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 11 mô hình khí hậu khác nhau để chạy 366 mô phỏng về biến đổi khí hậu từ năm 2023 đến năm 2100. Họ phát hiện ra ngày đầu tiên không có băng ở Bắc Cực có thể xuất hiện ngay trong thập kỷ này, sớm nhất là 3 năm tới, vào tháng 9 năm 2027.
Một tỷ lệ lớn các mô phỏng dự đoán rằng ngày định mệnh này sẽ đến trong vòng 7 đến 20 năm. Và điều đó đúng ngay cả trong các kịch bản con người đã giảm phát thải khí nhà kính - điều mà chúng ta đang làm rất tệ cho đến nay.
Nhưng sẽ có 9 trong số các mô phỏng đẩy Bắc Băng Dương vào "ngày không băng" đầu tiên trong vòng dưới 6 năm, nghĩa là ngay trong thập kỷ này.
Các nhà khoa học cho biết con số đó là thấp, tương đương với nguy cơ 2,4%. Nhưng bởi kịch bản có độ rủi ro cao, vì vậy, họ đã điều tra xem các điều kiện nào trong các biến số có thể dẫn đến việc băng tan nhanh như vậy.
" Chỉ cần trong một năm bất kỳ xuất hiện một mùa thu, mùa đông và mùa xuân ấm áp bất thường, điều này sẽ thúc đẩy mùa hè của năm tiếp theo làm băng biển tan chảy nhiều hơn ", các nhà nghiên cứu cho biết.
Nếu mô hình này duy trì trong 3 năm liên tiếp, ngày không có băng đầu tiên sẽ xảy ra vào tháng 9 của năm thứ ba, nghĩa là tháng 9 năm 2027
Điều mà các nhà khoa học cảnh báo, đó là "ngày không băng" sẽ không phải một sự kiện đơn lẻ. Một khi đã xuất hiện, sẽ có nhiều ngày không băng liên tiếp xuất hiện ở Bắc Băng Dương. Nhiều ngày không băng có thể xảy ra, và cuối cùng dẫn đến đỉnh điểm là cả 53 ngày Bắc Băng Dương đặt tới ngưỡng băng tan hoàn toàn.
" Bắc Băng Dương là một môi trường tự nhiên được băng biển và tuyết bao phủ quanh năm. Nhưng chúng ta đang làm biến đổi tự nhiên đó thông qua hoạt động phát thải nhà kính", Alexandra Jahn, nhà khí hậu học đến từ Đại học Colorado Boulder cho biết.
Hàng năm, lượng băng biển ở cả Bắc Cực và Nam Cực vẫn thường tan vào mùa hè và phát triển trở lại vào mùa đông. Nhưng càng ngày, biến đổi khí hậu càng cho thấy lượng băng biển vào mùa hè đã nhiều hơn lượng băng đóng lại sau đó.
Các dữ liệu vệ tinh theo dõi diện tích băng tối thiểu và tối đa từ năm 1978 tới nay cho thấy, mỗi năm, mức băng biển đóng lại vào mùa đông lại giảm 1,24%.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã dự báo khoảng thời gian mà băng ở Bắc Cực tan hết hoàn toàn, tương ứng với diện tích băng tối đa vào mùa đông, và nó có thể xảy ra trong thế kỷ này.
Nhưng Alexandra Jahn cho biết nhóm nghiên cứu của anh đã tập trung vào diện tích băng tối thiểu để kéo điểm mốc này trở lại gần hơn, nhằm cảnh báo tốc độ tan băng chóng mặt mà con người đang gây ra.
Ví dụ, năm 2024, diện tích băng biển tối thiểu được ghi nhận vào ngày 11 tháng 9, chỉ ở mức 4,28 triệu km2. Con số, như đã được dự đoán, là có thể xuống tới ngưỡng bằng 0 trong vòng từ 3-20 năm tới.
Mặc dù có thể là vào mùa đông năm sau đó, băng sẽ được bồi đắp trở lại, nhưng khoảnh khắc "ngày không băng" đầu tiên ở Bắc Băng Dương vẫn sẽ cho chúng ta có cái nhìn vào tương lai, khi băng biển có thể tan hết.
Trong tất cả 9 mô phỏng tình huống xấu nhất, các nhà khoa học cho biết băng biển tan sẽ gây ra tác động khí hậu trong một vài năm, trước cả khi sự kiện ngày không băng xảy ra. Khí quyển của Trái Đất sẽ lạnh đi vào cuối mùa thu và các đợt ấm áp xuất hiện muộn nhất là vào tháng 12.
Trong mùa đông cuối cùng trước đó, nhiệt độ sẽ cực kỳ ấm khiến lượng băng mới không kịp hình thành. Mùa xuân có thể đến sớm hơn bình thường 1 tháng và tần suất các đợt không khí lạnh sẽ giảm đi.
Ở Bắc Cực, các đợt nắng nóng đẩy nhiệt độ lên trên mức 0 °C, khiến băng không thể đóng lại và giữ lượng băng đã tan hoàn toàn ở thể lỏng trong suốt mùa xuân. Cho đến mùa hè năm sau, nhiệt độ trên 10 °C sẽ làm tan toàn bộ số băng còn sót lại và dẫn đến thời điểm "ngày không băng" vào khoảng tháng 8 và tháng 9 của một năm nào đó, từ giờ tới năm 2030.
Để ngăn chặn kịch bản này xảy ra, các nhà khoa học cho biết các quốc gia cần phối hợp với nhau để tăng cường các biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và cải tạo môi trường.
Nghiên cứu phát hiện ra những ngày không băng trong tất cả các kịch bản xấu nhất chỉ xảy ra trong những năm mà nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp – cũng là hạn mức mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.
Các nhà khoa học cho biết nếu các quốc gia có thể tuân thủ các hướng dẫn được nêu trong thỏa thuận, thì ngày đầu tiên không băng ở Bắc Cực sẽ có thể sẽ đến muộn hơn hoặc không đến ít nhất từ giờ cho tới năm 2100.
Thật không may, năm 2024 đang trên đà trở thành năm đầu tiên mà nhiệt độ Trái Đất tăng quá ngưỡng 1,5 °C, Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực hành động để con số này sẽ không xuất hiện vào năm 2025 và 2026. Nếu nó vẫn tiếp tục, rất có thể kịch bản trên sẽ trở thành sự thật, một ngày tháng 9 năm 2027 sẽ là "ngày không băng" ở Bắc Băng Dương.