Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Tuyệt chủng là một lẽ tự nhiên và vẫn đang diễn ra trên Trái Đất, ngay từ khi sự sống bắt đầu hình thành. Nhìn vào những hóa thạch còn sót lại từ thuở ban sơ đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận tổng cộng 5 cuộc đại tuyệt chủng lớn trong lịch sử Trái Đất, bao gồm cả sự biến mất của loài khủng long diễn ra 66 triệu năm về trước.
Theo một báo cáo xuất bản năm 2023 , Trái Đất đang bước vào một chu kỳ tuyệt chủng mới. Ảnh hưởng của con người tới sự đa dạng sinh học, thông qua biến đổi khí hậu nhân tạo cũng như sự suy tàn của các môi trường sống, đã khiến thế giới tự nhiên bị hư hại nặng. Một báo cáo khác xuất bản năm 2022 trên tạp chí Nature cho thấy 50% số lượng loài sẽ bị tuyệt chủng vào năm 2080, nếu như tình trạng phá rừng và xả thải tiếp diễn.
Những báo cáo trên chỉ ra một sự kiện tuyệt chủng diễn ra từ từ. Thế nhưng, nhân loại vẫn còn đứng trước những sự kiện tuyệt chủng diễn ra đột ngột. Siêu núi lửa phun trào, thiên thạch khổng lồ va chạm với Trái Đất, hay thậm chí chiến tranh hạt nhân đều có thể đặt dấu chấm hết cho nền văn minh ta đang có.
Với giả định viễn cạnh suy tàn xảy ra, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: loài sinh vật nào sẽ trỗi dậy từ tro tàn trên Trái Đất?
Theo giáo sư, nhà sinh vật học Tim Coulson, chuyên gia nghiên cứu về sinh học và tiến hóa tại Đại học Oxford, thì hậu duệ sẽ tiếp quản Trái Đất hiện đang nằm trong thực đơn của hầu hết các nhà hàng hải sản.
“ Hiện có rất nhiều chủng loài bạch tuộc, chứ không đơn điệu chỉ gồm một loài giống con người … và chúng sống trong đa dạng hệ sinh thái, từ biển xanh sâu thẳm cho tới bờ các đại dương ”, giáo sư Coulson nói. “ Dù một số quần thể và một số loài sẽ kết thảm, tôi nghĩ vẫn còn cơ hội cho loài khác sinh tồn, tỏa sáng, và đa dạng hóa theo thời gian để sinh trưởng trong nhiều môi trường ”.
Theo ông, chúng ta cũng có thể giúp loài bạch tuộc thừa kế Trái Đất dễ hơn, bằng cách ngừng săn bắt và tiêu thụ chúng.
Bản thân ông Coulson cũng thừa nhận rằng đây chỉ là một trong nhiều trường hợp có thể xảy ra với một Trái Đất hậu tận thế, và rằng bạch tuộc có thể không phải hậu duệ duy nhất. Tuy nhiên, nếu trường hợp ấy xảy ra, đây cũng không phải lần đầu tiên một sinh vật biển tận dụng thời cơ để sinh trưởng trên đất liền.
Thực tế, tổ tiên của thú có vú - hay nói cách khác là tổ tiên của chính chúng ta - đã khởi đầu như vậy. Đó là nhận định của Andrew Whiten, giáo sư chuyên ngành động vật học và tâm lý học công tác tại Đại học Thánh Andrews.
Dựa trên nhận định của ông Coulson, hiện tại bạch tuộc đã sở hữu đủ lợi thế để tiến hóa lên cấp độ thông minh tiếp theo. Một số loài đã biết sử dụng công cụ, ví dụ như dùng vỏ dừa để tạo nên lớp giáp bảo vệ bản thân hay làm “nhà ở di động”. Trong phòng thí nghiệm, bạch tuộc biết dùng công cụ để giải đố. Thậm chí, đã có trường hợp bạch tuộc trong thủy cung trốn khỏi nơi trú ngụ của mình để thăm đồng loại ở bể khác.
Nhưng theo giáo sư sinh học Andy Dobson công tác tại Đại học Princeton, ta không thể so sánh trí tuệ của loài người và bạch tuộc. Theo ông, trí không của bạch tuộc tương đồng với … máy tính.
“ Dường như bạch tuộc sở hữu một hệ thần kinh tiến hóa bậc cao. Khó có thể coi mạng lưới dày đặc các neuron kết nối 8 chi và con mắt lớn là một bộ não, phải gọi là trung tâm xử lý dữ liệu thì đúng hơn ”, ông Dobson nhận định. “ Trí tuệ của chúng sinh ra từ việc có nhiều chi và có cặp mắt lớn để cảm nhận môi trường xung quanh ”.
Mặc dù bạch tuộc không phải là loài duy nhất thể hiện trí thông minh cao cấp, Coulson cho rằng sự khéo léo là một đặc điểm quan trọng giúp chúng trở nên khác biệt.
“Chúng cực kỳ khéo léo, có thể sử dụng tám chi để thao tác với đủ loại vật thể. Và mặc dù quạ và một số loài chim có thể dùng mỏ uốn dây, hoặc thả đá vào nước để lấy thức ăn, nhưng chúng không khéo léo giống bạch tuộc”, ông nói.
Khác con người, bạch tuộc không có xương sống, khả năng cao sẽ chỉ phát triển nền văn minh dưới đại dương thay vì trên đất liền. Tuy nhiên, để xây dựng một “đô thị bạch tuộc”, Coulson cho rằng trước tiên chúng cần khai thác được một nguồn năng lượng dễ khai thác.
Đối với bạch tuộc sống ven biển, ông gợi ý rằng điều này có thể thực hiện được bằng cách tận dụng năng lượng thủy triều. Bạch tuộc sống dưới biển sâu cũng có thể khai thác năng lượng từ các miệng phun thủy nhiệt, tuy sẽ khó khăn hơn chút đỉnh.
Với trí thông minh ngày càng phát triển và khả năng tiếp cận năng lượng, bạch tuộc sẽ phải đối mặt với trở ngại lớn nhất trên con đường tiến hóa của chúng: tính xã hội. Bạch tuộc vốn nổi tiếng là loài sống đơn độc và đã có trường hợp ăn thịt đồng loại.
Giáo sư Peter Godfrey-Smith, Tiến sĩ, chuyên ngành lịch sử và triết học khoa học tại Đại học Sydney, cho rằng hành vi này cần phải thay đổi đáng kể, nếu bạch tuộc muốn quy tụ với số lượng lớn và xây dựng một tổ chức xã hội.
“Bạch tuộc không được cấu tạo để xây dựng một xã hội giống con người do thói quen xã hội của chúng, thực tế là chúng khó có khả năng phát triển một nền văn hóa”, Godfrey-Smith nói. “Khi tôi nói về ‘văn hóa’, ý tôi là khả năng học hỏi từ những thành viên khác trong xã hội... Đối với bạch tuộc, bước đầu tiên mà chúng cần thực hiện là trở nên hòa nhập hơn về mặt xã hội và nuôi dưỡng con non theo cách khác”.
Godfrey-Smith giải thích rằng bạch tuộc hầu như không thừa hưởng văn hóa nào từ cha mẹ của chúng - ít nhất là theo hệ quy chiếu của con người - vì vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng gần như không tồn tại. Để phát triển một xã hội gắn kết hơn, bạch tuộc có thể cần phải xây dựng thêm các mối liên kết giữa các thế hệ, ông nói.
Vì những thay đổi xã hội như vậy chưa từng xuất hiện trong 50 đến 100 triệu năm tồn tại của bạch tuộc, Dobson nhận định thay đổi sẽ khó xảy ra. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học trong thập kỷ qua đã quan sát thấy một số loài bạch tuộc có thể hòa đồng hơn so với các loài khác, với một số bạch tuộc sống thành nhóm từ mười cá thể trở lên.
Đáng tiếc rằng tác động của con người có thể sẽ hạn chế cơ hội tiến hóa của bạch tuộc. Ông nói ô nhiễm, tình trạng ấm lên của đại dương, khai thác quá mức và vi nhựa có thể đã gây hại cho bạch tuộc, dù chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ mức độ tác động.
Nếu không phải là bạch tuộc, Dobson cho rằng giun tròn có thể trở thành kẻ chiến thắng bất ngờ trong cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu của Trái Đất. Còn đối với Godfrey-Smith, ông đặt cược vào loài vẹt mào.
Theo Popular Mechanics