Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Năm 2023, bà V.T.T (ở Thôn Kim Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, Hà Giang) đến Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang để giao dịch. Tại đây, bà đề nghị nhân viên ngân hàng rút gấp 360 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm để chuyển cho một tài khoản lạ tại Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chủ tài khoản là Dương Văn Tân.
Nhận thấy đây là một giao dịch bất thường, với tinh thần cảnh giác và trách nhiệm cao, các giao dịch viên của Agribank chi nhánh huyện Bắc Quang đã tận tình hỏi han và được bà T. cho biết lý do chuyển số tiền lớn như vậy cho một người lạ.
Bà T. thuật lại: “Vào khoảng 13 giờ ngày 24/7, tôi có nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia tự xưng là Công an TP Hà Nội, nói tôi có vay 45,95 triệu đồng tại Ngân hàng Vietcombank. Thông tin tài khoản của tôi tại Vietcombank đã bị 2 đối tượng Nguyễn Văn Long, Lê Thị Thu lợi dụng. Chúng tham gia vào một đường dây buôn bán hàng quốc cấm và chuyển 6 tỷ đồng tiền bán ma túy vào tài khoản của tôi và đã bị bắt. Để phục vụ công tác điều tra, người đó yêu cầu tôi phải ra ngân hàng chuyển gấp 360 triệu đồng vào tài khoản 0791064041043 mang tên Dương Văn Tân, mở tại Ngân hàng TMCP An Bình, chi nhánh Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tôi sợ mình liên quan đến đường dây ma túy nên cứ ra ngân hàng làm theo lời họ thôi".
Sau khi biết được đây là chiêu thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các khách hàng, các giao dịch viên của Agribank Chi nhánh Bắc Quang đã khuyên can, đồng thời hỗ trợ bà T. báo cáo lại sự việc với cơ quan chức năng. Ngay sau khi bị phát hiện, đối tượng lừa đảo đã chặn mọi liên lạc với bà T.
Bằng tinh thần và trách nhiệm cao, các giao dịch viên của Agribank chi nhánh Bắc Quang đã thành công việc giúp đỡ khách hàng tránh khỏi bẫy lừa của đối tượng xấu.
Qua vụ việc này, Agribank một lần nữa khuyến cáo tất cả khách hàng luôn nâng cao cảnh giác, tìm hiểu và xác minh mọi thông tin trước khi giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng không quen biết.
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là: Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.
Ngoài ra, còn có một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết. Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.
Qua công tác nắm tình hình, số bị hại bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mạo danh, giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp đều là những bị hại ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Đặc điểm dễ dàng nhận biết đối tượng lừa đảo qua điện thoại là: Các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, Bưu điện và yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện "đang bị điều tra", vừa trao đổi cho bất kỳ ai.
Bộ Công an nêu rõ, Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Thục Trinh