Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Theo Tân Hoa Xã, các bộ hài cốt hóa thạch đã được khai quật tại một di chỉ nổi tiếng là động Hoa Long (Hualongdong) ở huyện Đông Trị, tỉnh An Huy - Trung Quốc.
Được phát hiện từ cuối năm 1988, di chỉ Hualongdong đã mang lại những phát hiện đáng chú ý kể từ khi bắt đầu được khai quật năm 2013, với khoảng 20 hóa thạch người cổ đại được tìm thấy.
Di chỉ này cũng đem lại hơn 400 hiện vật bằng đá, nhiều mảnh xương có bằng chứng về việc cắt và chặt do con người thực hiện, cũng như hơn 80 hóa thạch động vật có xương sống.
Trong cuộc khai quật mới nhất từ tháng 4 đến 11-2024, các nhà khoa học đã tìm thấy hài cốt hóa thạch của 11 người trong khu vực khai quật chỉ 40 m2 bên trong hang động.
Các bộ hài cốt này đều không nguyên vẹn, nhưng tổng thể thì chứa đựng nhiều phần xương khác nhau trên cơ thể được bảo quản rất tốt, bao gồm các mảnh sọ, xương đùi, xương bàn chân...
Điều này đã giúp các nhà khoa học Trung Quốc khám phá ra bản chất của những người sinh sống tại đây: Họ mang các đặc điểm thể chất pha trộn giữa người Homo erectus và Homo sapiens.
Phân tích cụ thể hơn, họ dường như là đại diện cho lớp người đang tiến hóa lưng chừng từ Homo erectus sang loài chúng ta!
Điều này trùng khớp với phân tích về một hộp sọ thiếu nữ 13-14 tuổi từng được khai quật vào năm 2015 cũng tại địa điểm này.
Hộp sọ đó có sự pha trộn độc đáo giữa các đặc điểm nguyên thủy và hiện đại, với khuôn mặt và xương hàm cho thấy cô chưa hẳn giống chúng ta, nhưng dường như đang tiến hóa để thành chúng ta.
"Người đứng thẳng" Homo erectus và "người tinh khôn" (hay "người hiện đại") Homo sapiens vốn là 2 loài cùng chi Homo (chi Người). Trong đó, Homo sapiens chính là con người chúng ta và là loài duy nhất của chi này chưa tuyệt chủng.
Có những bằng chứng trên thế giới cho thấy Homo sapiens có thể là một loài được tách ra khoảng hơn 300.000 năm trước từ một nhánh của Homo erectus.
Tuy vậy, hầu hết các nhà khoa học tin rằng sự tiến hóa này đã diễn ra ở châu Phi. Mãi đến 60.000-100.000 năm trước, các nhóm Homo sapiens đầu tiên mới rời châu Phi và lan rộng trên lục địa Á - Âu.
Do đó, phát hiện mới tại Trung Quốc có thể chỉ ra một con đường di cư và tiến hóa chưa từng biết ở khu vực Đông Á, hứa hẹn cung cấp nhiều mảnh ghép còn thiếu cho bức tranh tiến hóa của loài người
Nhà nghiên cứu Wu Xiujie từ Viện Cổ sinh vật học và cổ nhân chủng học động vật có xương sống (IVPP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), trưởng nhóm khai quật, cho biết 11 cá thể vừa phát hiện thuộc về một gia đình lớn gồm 20 người.
Cuộc sống bên trong động của họ được tổ chức khá bài bản như chúng ta ngày nay, với một phòng ăn riêng biệt dùng để cắt, thái và chế biến thực phẩm; cũng như một phòng ngủ ở khu vực đủ an toàn để phòng ngừa thú dữ.
Các công cụ bằng đá được chế tác tinh xảo được tìm thấy tại Hualongdong cũng cho thấy trình độ kỹ thuật tương đối cao của những người sống tại đây 300.000 năm trước.
"Họ rất thông minh và đã tiến hóa theo giai đoạn để thành Homo sapiens" - bà Wu nhận xét.