Truyền thông quốc tế rầm rộ đưa tin cách đây vài giờ, thiết bị radar trên máy bay Gulfstream III của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện ra một căn cứ bí ẩn bị bỏ hoang bên dưới lớp băng Bắc Cực ở Greenland: Một di tích của Chiến tranh Lạnh (1946-1991) từng được Công binh Lục quân Mỹ sử dụng làm căn cứ quân sự năm 1959.

    Tiền đồn cực kỳ xa xôi, được gọi là Trại Thế kỷ (Camp Century), bao gồm một mạng lưới đường hầm khổng lồ được đào sâu vào lớp bề mặt của băng, cách đất liền khoảng 240 km. 

    Quang cảnh chiến hào chính dẫn vào căn cứ quân sự Mỹ tại Greenland, Trại Thế kỷ. Bức ảnh chụp ngày 1/1/1950. Nguồn: Pictorial Parade/Ảnh lưu trữ/Getty

    Từ năm 1959 đến năm 1967, Trại Thế kỷ được sử dụng như một phần của Dự án Iceworm. Iceworm là một kế hoạch tuyệt mật của Mỹ nhằm thử nghiệm xây dựng một bãi phóng tên lửa dưới lớp băng Greenland cũng như thử nghiệm tính khả thi của việc phóng tên lửa hạt nhân từ Bắc Cực trong thời Chiến tranh Lạnh, khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô ngày càng leo thang. 

    Lâu dần, căn cứ quân sự vốn được mệnh danh là "thành phố dưới băng" này bị bỏ hoang vào năm 1967 và theo thời gian, nó bị chôn vùi khoảng 30 mét dưới bề mặt khi tuyết và băng tích tụ trong 57 năm qua..

    "Chúng tôi đang tìm kiếm lớp băng và Camp Century xuất hiện", Alex Gardner, nhà khoa học về tầng băng của Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết trong một tuyên bố. "Lúc đầu chúng tôi không biết đó là gì".

    Nỗi lo toàn cầu

    Điều đáng nói. Trại Thế kỷ vận hành bằng năng lượng hạt nhân, chưa kể nó là căn cứ để thử nghiệm các vũ khí hạt nhân.

    Khi đối mặt với hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày một gia tăng, giới chuyên gia có 2 nỗi lo sợ: Thứ nhất, sau khi vận hành, Trại Thế kỷ có thể còn dư chất thải phóng xạ gây nguy hiểm; Thứ hai, liệu lớp băng Bắc Cực sẽ "bao bọc" Trại trong bao lâu nữa để "phong ấn" những chất thải nguy hiểm đó?

    Một hình ảnh tổng hợp được Đài quan sát Trái đất của NASA chia sẻ vào ngày 25/11/2024 cho thấy, ở trên là quang cảnh Băng hà Greenland được chụp từ cửa sổ máy bay Gulfstream III của NASA vào tháng 4/2024 và bên dưới là hình ảnh được tạo ra bằng dữ liệu từ thiết bị radar UAVSAR trên máy bay, cho thấy các thành phần cấu trúc của Trại Thế kỷ. Nguồn: Đài quan sát Trái đất của NASA/Michala Garrison, Jesse Allen, Chad Greene

    Trong khi "thành phố dưới băng" đã được phát hiện qua các lần quét radar trước đó, UAVSAR (Radar khẩu độ tổng hợp dành cho máy bay không người lái của NASA được gắn trên bụng Gulfstream III để thu thập dữ liệu) đã mang lại một cuộc khảo sát chi tiết hơn.

    Một bức ảnh do NASA công bố hôm thứ Hai 25/11 cho thấy các đặc điểm của căn cứ ẩn sâu dưới lớp băng xuất hiện những điểm bất thường gần đáy của tảng băng.

     

    Các nhà khoa học đã sử dụng bản đồ thu được bằng radar thông thường để xác nhận ước tính về độ sâu của Trại Thế kỷ — một phần trong nỗ lực ước tính thời điểm băng tan chảy (do nóng lên toàn cầu) có thể làm lộ lại Trại và bất kỳ chất thải sinh học, hóa học và phóng xạ nguy hiểm nào còn sót lại được chôn cùng với Trại, Đài quan sát Trái đất của NASA cho biết trong bài viết tuần này.

    "Trong dữ liệu mới, các công trình riêng lẻ trong Trại Thế kỷ có thể nhìn thấy theo cách chưa từng thấy trước đây", nhà khoa học Chad Greene của NASA, người có mặt trên máy bay trong quá trình khảo sát, cho biết trong một tuyên bố.

    Khi tiến hành ước tính thời điểm Trại có thể lộ ra do băng tan, một số chuyên gia gợi ý, thời điểm đó có thể đến vào cuối thế kỷ này.

    Hình ảnh bên trong Trại Thế Kỷ năm 1966. Ảnh: Earthobservatory/NASA

    Đây chính là điều không mong muốn của giới khoa học bởi, điều này có nghĩa là toàn cầu nóng đến mức có thể làm tan chảy những lớp băng vĩnh cửu tại Bắc Cực. Chưa kể, băng tan có thể phát tán các vật liệu thải phóng xạ và hóa chất cực kỳ nguy hiểm vào môi trường xung quanh.

    Việc phát hiện ra Trại Century là một kết quả hoàn toàn bất ngờ đối với nhóm các nhà khoa học NASA. Mục tiêu chính của nhiệm vụ là nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên Bắc Cực.

    Chad Greene cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là hiệu chỉnh, xác nhận và hiểu rõ khả năng cũng như hạn chế của UAVSAR trong việc lập bản đồ các lớp bên trong của tảng băng và giao diện giữa đáy băng. Nếu không có kiến thức chi tiết về độ dày của băng, chúng ta không thể biết được các tảng băng sẽ phản ứng như thế nào với tình trạng đại dương và bầu khí quyển nóng lên nhanh chóng, điều này làm hạn chế đáng kể khả năng dự đoán tốc độ mực nước biển dâng".

    Tham khảo: Futurism, CBS News, WE

    Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.