Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Vừa qua, iPhone 16 series đã được ra mắt trên toàn cầu. Sự kiện này được cho là thiếu sức hút khi dòng sản phẩm mới được đánh giá là chưa có nhiều đột phá, các tính năng Apple Intelligence mới được bổ sung vẫn chưa đủ hấp dẫn. Tâm điểm là iPhone 16 series thì bị đánh giá là nhàm chán khi nó chưa có nhiều nâng cấp đáng kể, hay thậm chí vẫn còn nhiều thứ chậm chân hơn so với các thương hiệu Android.
Bộ nhớ 128GB, màn hình 60Hz vẫn là những thông số “đáng trách”?
Trên dòng iPhone 16, Táo Khuyết vẫn giữ lại màn hình tần số quét 60Hz. Hiện tại trên thị trường, đây là hãng hiếm hoi vẫn sử dụng tấm nền tần số quét 60Hz cho các thiết bị có giá trên 10 triệu đồng. Các thương hiệu Android trên thị trường như Samsung, OPPO, Xiaomi đều đã mang màn hình 120Hz lên các mẫu điện thoại có giá dưới 10 triệu đồng.
Thêm vào đó, bộ nhớ cơ bản của iPhone 16, iPhone 16 Plus và iPhone 16 Pro vẫn chỉ dừng lại ở mức 128GB. Riêng với iPhone 15 Pro, trước thời điểm ra mắt, mẫu máy này được đồn đoán là sẽ nâng cấp lên 256GB để tương xứng hơn với giá tiền và các đối thủ cạnh tranh. Với mức giá gần 29 triệu đồng, các mẫu máy khác như Galaxy S24 series, Galaxy Z Flip6 hay Xiaomi 14 Ultra đều đã có dung lượng lên tới 256GB. Rõ ràng, hai thông số này vẫn là thứ mà hãng đi sau các thương hiệu Android về công nghệ và các trang bị đi kèm.
Nút Điều Khiển Camera đặt nghi vấn về độ hữu dụng
Trên iPhone 16 series, Apple đã giới thiệu Nút Điều Khiển Camera hoàn toàn mới. Trên thực tế, các thương hiệu Android khác như Sony đã sử dụng phím cứng tương tự. Dù công năng của Nút Điều Khiển Camera có nhiều thứ nổi trội hơn so với các hãng Android, tuy nhiên phím này vẫn đặt ra nhiều nghi vấn về độ hữu dụng trong thực tế sử dụng.
Ví dụ điển hình với máy ảnh kỹ thuật số, các sản phẩm này thường trang bị rất nhiều nút, vòng xoay ở nhiều vị trí khác nhau để người dùng có thể kiểm soát thông số một cách tốt nhất. Tương tự với điện thoại, giao diện chụp hình cũng bày ra rất nhiều thông số để người dùng lựa chọn nhanh theo đúng nhu cầu. Ngược lại, Nút Điều Khiển Camera lại là một phím đầy đủ tích hợp toàn bộ công năng điều khiển camera cho máy. Để chuyển qua lại giữa các tuỳ chọn, người dùng cần nhớ các thao tác từ xoay, chạm hay chạm hai lần.
Với các thương hiệu Android, các phím bấm tương tự đã từng xuất hiện nhiều năm trước, tuy nhiên độ hiệu quả và tính ứng dụng không cao. Chính vì lý do này, nút chụp hình hay điều khiển camera đã không còn phổ biến trên điện thoại thông minh ngày nay.
Các tính năng AI vẫn chậm chân, người Việt chưa thể sử dụng
Với Apple Intelligence, người dùng Việt vẫn chờ đợi hãng hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên thực tế lại không như vậy. Hiện tại, công nghệ AI này vẫn chỉ hỗ trợ tiếng Anh Mỹ và chỉ được mở rộng ra 4 ngôn ngữ khác vào năm 2025. So với Samsung, rõ ràng là Apple chậm chân hơn quá nhiều. Trên Galaxy S24 series, tiếng Việt là 1 trong 13 ngôn ngữ đầu tiên được hỗ trợ dịch bằng các tính năng AI tạo sinh (GenAI). Điều này giúp người Việt có thể tương tác với công nghệ mới nhất bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình, tương tự các ngôn ngữ phổ biến hàng đầu như tiếng Anh, Nhật hay Tây Ban Nha. Hiện tại, Galaxy AI đã hỗ trợ gần 20 ngôn ngữ cho nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Nhận định sau sự kiện, nhà báo Andrew Lanxon của CNET nhận định: “Trí tuệ nhân tạo (AI) trên di động đang là cuộc chiến mới của các hãng smartphone. Apple chậm chân hơn trong lĩnh vực này, nhưng điều đó cũng có thể giúp họ tránh được những sai lầm lớn. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một ứng dụng AI nào thực sự đột phá đến mức tôi không thể sống thiếu. Chưa có cảm giác “sợ bỏ lỡ” nào cả, một phần vì các tính năng còn khá đơn giản, phần khác vì khả năng tiếp cận AI vẫn còn hạn chế. Cách tiếp cận thận trọng của Apple như một con dao hai lưỡi: an toàn nhưng lại chưa đủ sức hút để thuyết phục người dùng.”
Sạc vẫn quá chậm và nhiều lý do khác
Vẫn là vấn đề cũ và được coi là nhức nhối của Apple, đó là sạc chậm. Trên iPhone 16 series, tốc độ sạc của hãng vẫn là… 30 phút đạt 50%, tương đương với thời gian sạc của iPhone 11 đã ra mắt từ 5 năm trước. Theo số liệu đo đạc thực tế, tốc độ sạc của iPhone 15 Pro Max chỉ là 27W, thấp hơn rất nhiều so với các thương hiệu Android.
Thậm chí nhà báo Katelyn Chedraoui của CNET cho biết: “Tôi cứ băn khoăn không biết họ sẽ mời ai để khuấy động không khí. Taylor Swift thì chắc khó vì lịch trình bận rộn. Có thể là một ngôi sao NFL vì mùa bóng bầu dục vừa mới bắt đầu chăng? Hay Charli XCX, với một màn kết hợp “brat” nào đó? Thậm chí tôi còn nghĩ đến cảnh Sam Altman của OpenAI sánh vai cùng Tim Cook để giới thiệu về tích hợp ChatGPT sắp tới với Apple Intelligence – CNET từng thấy anh ấy tại WWDC đầu năm nay mà.
Nhưng thật đáng tiếc, câu trả lời là không có ai cả. Điều này càng khiến tôi hụt hẫng hơn khi Samsung và Google đã rất thành công trong việc mời những tên tuổi lớn đến sự kiện của họ vào mùa hè vừa rồi.
Sự kiện Unpacked tháng 7 của Samsung có sự góp mặt của đại sứ thương hiệu Sydney Sweeney, người đã bất ngờ xuất hiện trong phần trình diễn một công cụ chỉnh sửa ảnh AI mới. Sự kiện Unpacked được tổ chức tại bảo tàng Louvre vào tháng 7 và đã giới thiệu nhiều tính năng AI mới tích hợp trong Galaxy Z Flip 6 và Fold 6. Mặc dù Sweeney có vẻ không quá hào hứng khi có mặt ở đó, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của cô đã mang lại một chút thú vị cho buổi giới thiệu tràn ngập các tính năng AI.”
Nhìn chung, Táo Khuyết dường như vẫn đang chậm chân với nhiều xu hướng của thế giới công nghệ, từ thông số trang bị cho tới cả các tính năng phần mềm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nhận định ban đầu và hiệu quả thực tế vẫn cần doanh số thực tế phản ánh.