Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Đầu tháng 1 năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore (CCRS) công bố báo cáo mới, được gọi là V3, trong đó dự báo một vài kịch bản khí hậu dựa trên những phát hiện từ nghiên cứu biến đổi khí hậu quốc gia.
Theo CCRS, so với V2 (công bố năm 2015), V3 dựa trên các bộ dữ liệu đã được mở rộng và cập nhật, do đó, báo cáo mới nhất sẽ cung cấp các kịch bản chính xác hơn về tình hình khí hậu Singapore và trong khu vực Đông Nam Á.
Thới tiết cực đoan thành bình thường
Theo dự báo của V3, các hiện trượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng vào cuối thế kỷ 21. Các hiện tượng này bao gồm mực nước biển dâng, sự gia tăng trong nhiệt độ trung bình ngày, số ngày nóng trên 35 độ C, nhiệt độ buổi tối và lượng mưa trung bình.
Trong kịch bản xấu nhất, tới năm 2100, Singapore sẽ chỉ còn khoảng 14 ngày có nhiệt độ trung bình dưới 35 độ C.
Tình hình cũng không mấy khả quan trong tương lai gần. Dự báo tới giữa thế kỷ 21, Singapore nhiều khả năng ghi nhận từ 47 - 189 ngày “rất nóng” trong một năm, gấp đôi so với thời điểm hiện tại.
Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình mỗi ngày cũng có thể tăng từ 0,6 - 2,2 độ C, phụ thuộc vào việc thế giới có thể cắt giảm phát thải hay tiếp tục đốt nhiều nhiên liệu hoá thạch hơn. Điều này có thể khiến nhiệt độ trung bình trong giai đoạn này giao động ở khoảng 28,5 độ C – 30,1 độ C, tăng từ mức 27,9 độ C hiện tại.
Nghiên cứu dự đoán, đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình ngày sẽ tăng từ khoảng 0,6 - 5 độ C. Điều này có nghĩa là vào năm 2100, nhiệt độ trung bình của Singapore sẽ ở mức 28,5 - 32,9 độ C.
Bên cạnh đó, mùa khô sẽ trở nên khô hạn hơn trong khi lượng mưa cũng tiếp tục tăng lên vào mùa mưa. Ví dụ, vào các tháng 4 - 5, lượng mưa có thể tăng thêm từ 6 - 92%. Trong khi đó, vào các tháng khô hơn như tháng 6, 7, 8, lượng mưa sẽ giảm xuống dưới mức thấp lịch sử 314 mm ghi nhận năm 1997 với tần suất 3 năm một lần.
Mực nước biển trung bình cũng có thể tăng từ 0,23 m đến 1,15 m vào năm 2100 và lên tới khoảng 2 m vào năm 2150, tùy thuộc vào việc thế giới có thể giảm lượng khí thải carbon hay không và mức độ cắt giảm đến đâu.
Báo cáo V3 được đánh giá là cung cấp một cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề khí hậu tại Singapore và Đông Nam Á trong thời gian tới, dựa trên dữ liệu từ các mô hình toàn cầu và dự đoán về nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió và mực nước biển.
Trong đó, các dự báo về biến đổi khí hậu, do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thực hiện, thường đưa ra cái nhìn toàn cảnh hơn về biến đổi khí hậu toàn cầu và quy mô lớn. Những dự báo này thiếu các dữ liệu chi tiết cần thiết để đánh giá biến đổi khí hậu ở cấp khu vực và địa phương nhằm hỗ trợ các quốc gia lên kế hoạch hành động.
Để thu hẹp khoảng cách này, nghiên cứu V3 đã thu nhỏ một nhóm mô hình khí hậu toàn cầu được chọn từ các báo cáo của IPCC xuống một khu vực tập trung để đưa ra những dự đoán chi tiết và cụ thể hơn.
Singapore chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất
CCRS cho biết Chính phủ Singapore đã tính đến một loạt các kịch bản khí hậu có thể xảy ra, bao gồm lộ trình phát thải cao, và lên kế hoạch thích ứng để đảm bảo khả năng chống chọi trước các hiện tượng khí hậu.
“Lộ trình phát thải cao” đề cập đến một kịch bản được thúc đẩy bởi sự các hoạt động dựa trên nhiên liệu hóa thạch, tiêu tốn nhiều năng lượng trên toàn thế giới.
Singapore đã công bố một số kế hoạch và sáng kiến dài hạn nhằm bảo vệ quốc đảo này khỏi những tác động khắc nghiệt nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm dự án Long Island bảo vệ bờ biển và chống lại vấn đề mực nước biển dâng cao.
Dựa trên những báo cáo V3, chính phủ cũng sẽ xem xét các quy chuẩn xây dựng của Singapore và tính toàn vẹn về cấu trúc của cơ sở hạ tầng để đảm bảo rằng các tòa nhà trên đảo có thể chịu được những thay đổi dự kiến của khí hậu, chẳng hạn như nhiệt độ cao hơn và tốc độ gió tăng lên.
Cũng theo CCRS, chỉ những nỗ lực của chính phủ sẽ không đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo cho rằng tất cả mọi người, bao gồm người dân và doanh nghiệp đều có vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.
Từ những việc cơ bản như tăng nhiệt độ điều hòa không khí hoặc giảm thời gian bật điều hoà cũng sẽ đóng góp vào việc cắt giảm khí thải và các chất làm suy giảm tầng ozon.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể lựa chọn mua các sản phẩm, hàng hoá nội địa có tính phát thải thấp, thay vì mua các sản phẩm nhập khẩu gây phát thải cao.
Đối với doanh nghiệp, họ có thể áp dụng các biện thân thiện với môi trường như sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng tại nơi làm việc hoặc đăng ký Quỹ Sinh thái SG để tổ chức các sự kiện gắn công việc với các hoạt động vì môi trường.
Thế giới vẫn còn thời gian
Nghiên cứu vạch ra các kịch bản khác nhau về biến đổi khí hậu tại Singapore và Đông Nam Á, dựa trên 3 kịch bản khác nhau của thế giới có thể tạo ra mức phát thải khí nhà kính khác nhau.
Ba kịch bản dự đoán này tương ứng với những kịch bản được IPCC đề ra. Thứ nhất là kịch bản phát thải thấp, giả định sự chuyển đổi sang con đường phát triển bền vững với mục tiêu net-zero được sau năm 2050;
Thứ hai là kịch bản phát thải trung bình, đi theo con đường trung bình, trong đó các mô hình sản xuất gây phát thải vẫn tiếp diễn trong cả thế kỷ;
Cuối cùng là kịch bản phát thải cao, do tiếp tục phát triển dựa vào nhiên liệu hóa thạch và sử dụng nhiều năng lượng.
Báo cáo cho thấy, những hành động của các quốc gia từ thời điểm hiện tại có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến khí hậu thế giới trong tương lai. Mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào mức độ khí thải carbon cắt giảm.
Báo cáo lưu ý thế giới vẫn còn thời gian để thay đổi các viễn cảnh này. Dù vậy, các quốc gia cần có hành động tập thể và ngay lập tức để thực hiện các cam kết net-zero nhằm ngăn chặn viễn cảnh xấu nhất.