Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Tóm tắt kỳ 1: Ai đã "phát minh" ra căng thẳng?
Năm 1926, Hans Selye, một bác sĩ người Hungary quan sát thấy tất cả các bệnh nhân đến phòng khám của mình đều có chung một số triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, họ thích nằm một chỗ cả ngày và không có tâm trạng làm việc…
Dành hơn 10 năm nghiên cứu tình trạng này, Selye phát hiện bất kỳ áp lực về mặt thể chất hay tâm lý nào tác động lên con người đều gây ra một tập hợp các triệu chứng tương tự. Mượn khái niệm "stress" của các nhà vật lý học, Selye gọi nó là "căng thẳng".
Người ta nói đùa rằng, trước khi Isaac Newton phát minh ra lực hấp dẫn, những quả táo đã không rơi xuống đất, còn con người thì có thể bay. Thật ngớ ngẩn! Nhưng có một sự thật: Trước khi "căng thẳng" được định nghĩa bởi Hans Selye vào năm 1936, "stress" chỉ là khái niệm mà các nhà vật lý nói chuyện với nhau, về những sợi dây, về đống lò xo và về những thanh ray kim loại của họ.
Hơn 9 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày căng thẳng được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Càng ngày, các nhà khoa học càng nhận thấy stress đáng sợ hơn họ tưởng.
Bắt đầu chỉ bằng một tập hợp các triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, uể oải, chán ăn... ít ai có thể hình dung căng thẳng đang góp phần gây ra 80% tất cả các loại bệnh tật trên đời, bao gồm cả bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Thường thì căng thẳng gián tiếp gây ra bệnh tật thông qua việc thúc đẩy hành vi không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc lá, ăn uống đồ ngọt quá mức… Nhưng một số nghiên cứu gần đây đã tìm được những cơ chế sinh học cho thấy bản thân căng thẳng có thể trực tiếp góp mặt vào quá trình sinh bệnh, đặc biệt là quá trình di căn của ung thư.
Thực trạng đáng báo động, bởi cuộc sống hiện đại đang đặt ra cho con người rất nhiều áp lực từ tài chính, công việc, gia đình cho đến xã hội. Các nghiên cứu chỉ ra tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, các hệ quả của quá trình đô thị hóa và công nghiệp, công nghệ hóa cũng khiến con người ngày càng trở nên căng thẳng.
Viện Căng thẳng Hoa Kỳ cho biết cứ 3 người trên thế giới thì có 1 người đang phải đối mặt với căng thẳng quá mức. Theo đánh giá của họ, những người này có tới 80% nguy cơ sẽ mắc một căn bệnh liên quan đến stress, thứ có thể khiến sức khỏe của họ suy sụp trong vòng 2 năm tới.
Vậy làm thế nào để biết bạn có đang nằm trong nhóm nguy hiểm được cảnh báo hay không? Trong trường hợp xấu nhất, có cách nào giúp bạn giảm căng thẳng xuống ngưỡng an toàn trước khi bệnh tật ập đến?
Một khảo sát tính điểm trong bài viết này sẽ giúp bạn làm điều đó. Nhưng trước khi mở máy tính và cộng những con số, hãy cùng làm rõ một hoài nghi vẫn còn đang tồn tại:
Câu hỏi này dẫn chúng ta quay ngược trở lại thập niên 1930, sau khi Hans Selye phát hiện tác động tiêu cực của căng thẳng lên cơ thể. Ông đã thực hiện một loạt các nghiên cứu nhằm cố gắng thuyết phục các bác sĩ, nhà khoa học và cả cộng đồng y tế quan tâm đến nó.
Thế nhưng một lần nữa, nỗ lực này Selye không mấy thành công. Khái niệm "căng thẳng" mà ông đưa ra bị các nhà khoa học thực nghiệm cho là quá mơ hồ, trong khi, các bác sĩ phủ nhận áp lực tâm lý có thể khiến người ta bị bệnh.
Năm 1958, Selye thậm chí còn vướng vào một "scandal" với ngành công nghiệp thuốc lá. Nhiều người nghi ngờ rằng ông ấy đã nhận tiền (khoảng 200.000 USD tương đương với 2,1 triệu USD ở tỷ giá ngày nay) để giúp "tẩy trắng" những điếu thuốc thông qua việc "phát minh" ra căng thẳng.
Cuối thập niên 1950, thuốc lá mới bị phát hiện là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh từ tim mạch, bệnh phổi cho đến ung thư.
Ngành công nghiệp thuốc lá nhận ra rằng, nếu như họ có thể đổ lỗi cho một tác nhân như căng thẳng gây ra bệnh tật, thì những điếu thuốc có khả năng sẽ thoát tội hoặc ít nhất cũng sẽ nhẹ tội đi, dựa trên một thực tế rằng, người ta thường hút thuốc khi bị căng thẳng.
Và thế là họ lặng lẽ đổ tiền cho Hans Selye nghiên cứu chủ đề này, một cách bí mật.
Đổi lại, các công ty thuốc lá có thể sử dụng lại những phát biểu của Selye để quảng cáo cho sản phẩm của họ. Một số tài liệu cho thấy đại diện của ngành công nghiệp tham gia vào quá trình biên tập những bài báo khoa học mà Selye viết ra, duyệt qua nội dung của chúng và thống nhất cách diễn đạt với ông ấy.
Mối liên hệ giữa Hans Selye và ngành công nghiệp thuốc lá khiến người ta tự hỏi: Liệu căng thẳng có thật, hay chỉ là một "phát minh" của Selye và ngành công nghiệp?
Đối với một nhà khoa học như Selye, đó là một vết chàm lớn trong cả sự nghiệp. Có lẽ chính vì vậy mà Selye từng được đề cử tới 17 lần cho giải Nobel Y học, nhưng cả 17 lần ông đều bị Hội đồng Giải Nobel tại Viện Karolinska đánh trượt.
Về phần mình, Selye có lẽ đã hình dung được việc thuyết phục các đồng nghiệp khó đến mức nào, do đó, ông đã chuyển hướng sang một đối tượng mới: công chúng.
Selye nhận thấy rằng khi ông viết báo để giới thiệu khái niệm "căng thẳng" cho độc giả phổ thông, các tầng lớp lao động bình dân đã đón nhận nó hơn là những nhà khoa học tự nhốt bình bên trong tháp ngà của họ.
Chẳng hạn như khi Selye mô tả những triệu chứng thường gặp của căng thẳng, bao gồm nhịp tim tăng cao, cảm thấy khó ngủ, gặp vấn đề dạ dày, tiêu hóa… Sau đó, ông hỏi mọi người có gặp căng thẳng khi trải qua những tình huống như mất việc, li dị, chuyển nơi ở mới… hay không?
Câu trả lời của nhiều người là: Có. Vậy là đủ để họ tin vào việc mình đang bị căng thẳng. Các khái niệm và ý tưởng về căng thẳng mà Selye đưa ra, bây giờ không cần đến khoa học thực nghiệm để kiểm chứng. Chính công chúng, những người đọc sách, đã trở thành đối tượng kiểm chứng cho căng thẳng.
Sau đó, Selye đã tự mình làm việc từ 19-20 tiếng mỗi ngày, ông điên cuồng viết báo và sách. Hơn 1.500 bài báo và 40 cuốn sách về căng thẳng đã được Selye viết ra để truyền bá khái niệm mới của mình. Một trong số đó là cuốn "Căng thẳng và cuộc sống" đã trở thành cuốn sách bán chạy trên phạm vi toàn cầu.
Khi các độc giả phổ thông của Selye dễ dàng thừa nhận khái niệm căng thẳng, và họ nói về nó ở mọi chỗ, mọi nơi: "Tôi bị căng thẳng ở nơi làm việc", "Tôi căng thẳng khi ở nhà", "Cuộc sống dạo này khiến tôi thấy căng thẳng"...
Điều này vô hình trung đặt một áp lực trở lại giới khoa học, những người bây giờ cũng cảm thấy căng thẳng vì họ chính là người có nghĩa vụ phải kiểm chứng khái niệm này một cách nghiêm túc hơn bằng cách:
Giống như trọng lực không phải một phát minh của riêng Isaac Newton, lực điện từ không phải do Michael Faraday tạo ra, hoặc chính khái niệm căng thẳng đã luôn tồn tại trong vật lý cơ học cổ điển, các nhà tâm lý học nói rằng nếu căng thẳng tâm lý của Hans Selye thực sự tồn tại, họ phải tìm cách đo được nó.
Công việc lần đầu tiên được thực hiện bởi bộ đôi Thomas Holmes và Richard Rahe, hai nhà tâm lý học người Mỹ vào năm 1967.
Để tìm cách đo được mức độ căng thẳng của một người, đến ngưỡng khiến họ mắc bệnh, Holmes và Rahe đã nghiên cứ kỹ hồ sơ y tế của hơn 5.000 bệnh nhân, liệt kê các sự kiện có ảnh hưởng trong đời mà họ từng phải đối mặt trước khi mắc bệnh.
Các sự kiện này được Holmes và Rahe chấm điểm dựa trên căn bệnh mà người đó mắc phải. Ví dụ một sự kiện được cho là càng gây căng thẳng, thì điểm số của nó sẽ càng cao, và sự kiện đó càng có khả năng gây ra bệnh tật.
Kết quả, Holmes và Rahe đã thành lập được một thang đo căng thẳng đầu tiên bao gồm 43 sự kiện gây ra ảnh hưởng lớn trong cuộc đời:
Holmes và Rahe nhận thấy trong vòng một năm kể từ thời điểm làm khảo sát, những người nào trải qua các sự kiện có tổng điểm cao hơn 300, là những người có mức căng thẳng cao và có nguy cơ cao sẽ mắc một loại bệnh tật nào đó.
Người có điểm từ 150-299 có mức độ căng thẳng vừa phải và nguy cơ mắc bệnh của họ ở mức trung bình (giảm 30% nguy cơ so với nhóm trên). Những người có tổng điểm nhỏ hơn 150 được Holmes và Rahe đánh giá là có nguy cơ mắc bệnh thấp với mức độ căng thẳng thấp.
Bây giờ, hãy thử lấy ví dụ về một người đàn ông có vợ vừa mới sinh con. Vì vợ sinh con nên sức khỏe của cô ấy được coi là biến động lớn (44 điểm), vợ anh cũng không thể làm việc (26 điểm), không đáp ứng nhu cầu tình dục (39 điểm).
Anh ấy cũng có thêm thành viên trong gia đình là đứa con (39 điểm) và thường cũng sẽ phải đối mặt với thay đổi trong thói quen ngủ (16 điểm), thói quen ăn uống (15 điểm), thói quen giải trí (19 điểm), thói quen cá nhân (24 điểm) để chăm sóc vợ con.
Chỉ riêng điều này đã đưa người đàn ông này vào nhóm nguy cơ mắc bệnh trung bình với 222 điểm.
Nếu người đàn ông này tiếp tục gặp những căng thẳng trong công việc như cãi nhau với đồng nghiệp (35 điểm), gặp rắc rối với sếp (23 điểm), bị điều chuyển sang bộ phận khác (29 điểm), thì anh ấy đã vượt qua 300 điểm trên thang đo của Holmes và Rahe, để rơi vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tương tự, bạn có thể sử dụng thang đo của Holmes và Rahe để tính điểm căng thẳng cho chính mình. Lưu ý rằng, theo thang đo này, có một số sự kiện quan trọng trong cuộc đời thường được coi là "hạnh phúc", ví dụ như có con, thăng chức, đạt thành tích cá nhân xuất sắc… cũng có thể gây căng thẳng cho bạn chứ không chỉ các sự kiện tiêu cực. Vì vậy, bạn cần phải tính đến chúng.
Kể từ khi được đưa ra vào năm 1967, Thang đo căng thẳng của Holmes và Rahe đã liên tục được kiểm chứng và sử dụng bởi bác sĩ và các nhà tâm lý học để đánh giá mức độ căng thẳng mà một người đang phải đối mặt cùng với nguy cơ mắc bệnh của họ.
Một số nghiên cứu tiếp tục đo lường nguy cơ mắc bệnh cao trong nhóm dân số có điểm trên 300. Họ nhận thấy có tới 49% những người thuộc nhóm này cuối cùng sẽ mắc bệnh. Con số chỉ là 25% ở nhóm 200-299 điểm và 9% trong nhóm có điểm dưới 150.
Những người thuộc nhóm trên 300 điểm có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn 90% so với nhóm dưới 150 điểm.
Thậm chí, nếu kéo dài thời gian đánh giá, Viện Căng thẳng Hoa Kỳ cho biết người nào có trên 300 điểm trong thang đo Holmes và Rahe sẽ có 80% nguy cơ mắc một căn bệnh khiến sức khỏe của họ suy sụp trong vòng 2 năm tiếp theo của cuộc đời.
Những con số này bây giờ đã được hỗ trợ bởi hàng trăm nghiên cứu bệnh lý học về căng thẳng, những gì tình trạng này có thể gây ra với hệ thống nội tiết của cơ thể, qua đó, ảnh hưởng tới quá trình sinh bệnh và tiến triển của bệnh tật.
Vì vậy, thật khó để phủ nhận sự tồn tại của căng thẳng, cho dù, những người tích cực quảng bá khái niệm này nhất lại là ngành công nghiệp thuốc lá. Và Hans Selye, dù có nhận tiền tài trợ từ những công ty sản xuất thuốc lá, ông ấy không tự mình phát minh ra căng thẳng.
Selye đã phát hiện nó giống như Isaac Newton phát hiện ra lực hấp dẫn, Michael Faraday phát hiện ra lực điện từ và Albert Einstein phát hiện ra hiệu ứng quang điện.
Trở lại với bài kiểm tra căng thẳng của Holmes và Rahe, tin xấu là nếu điểm căng thẳng của bạn trên 150, nó sẽ đưa bạn vào nhóm những người có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, điểm căng thẳng trên 300 sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Các loại bệnh đã thiết lập được mối quan hệ chắc chắn với căng thẳng bao gồm: bệnh tim mạch, cao huyết áp, viêm loét dạ dày, tá tràng, hen suyễn, hội chứng đau (ví dụ như đau nửa đầu, đau đầu, đau lưng), một số bệnh ngoài da, rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng ruột kích thích…
Bằng chứng khoa học đang tiếp tục chứng minh căng thẳng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, từ bệnh ngoài da, các hội chứng tuyến giáp cho đến tiểu đường type 2 và ung thư.
Nhưng có một tin tốt.
Các nhà khoa học cho biết bạn có thể đánh bại Thang đo căng thẳng của Holmes và Rahe, dựa trên một thực tế, thang đo này chưa tính đến cách mỗi người chúng ta đối phó với căng thẳng.
Nếu bạn có chiến lược để đối phó với từng tình huống căng thẳng trong thang đo của Holmes và Rahe, điểm căng thẳng của bạn sẽ được xóa bỏ, và bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh của mình.
Ví dụ, thường xuyên đi dạo được chứng minh là có tác dụng làm giảm căng thẳng tại nơi làm việc. Một cái ôm từ ai đó, bạn bè hoặc người thân có thể giúp giảm căng thẳng từ những mâu thuẫn trong hôn nhân.
Các bệnh nhân tim mạch có thể thực hành thiền định, yoga hoặc đơn giản là tập hít thở sâu để giảm huyết áp. Chiến lược tương tự cũng có thể giúp ích với bệnh nhân ung thư, những người đang tham gia các buổi trị liệu tâm lý để giải tỏa căng thẳng, từ đó giảm nguy cơ ung thư tái phát và di căn.
Điều quan trọng cần nhớ đó là nếu bạn thấy mình đang gặp căng thẳng quá mức, có lẽ bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu, những người sẽ có cách để kiểm tra kỹ hơn mức độ căng thẳng của bạn, tìm hiểu nguyên nhân và giúp bạn tháo gỡ chúng bằng thuốc, hoặc bằng các liệu pháp tâm lý chuyên sâu.
Còn nếu bạn chỉ đang cảm thấy mình có chút căng thẳng và cần một liều thuốc tức thời, hãy tạm dừng mọi công việc và thử một phương pháp đơn giản được khuyến cáo bởi Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI).
Những phương pháp này vốn là lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư, những người đang thực hành chúng để giảm bớt những căng thẳng, đau đớn về mặt thể xác và cả sự thống khổ về mặt tinh thần.
Bởi vậy, nếu nó có tác dụng với cả bệnh ung thư, không có lý do gì những phương pháp này không có tác dụng với đại đa số mọi người. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ gợi ý bạn hãy thử một trong 3 bài tập dưới đây:
- Hãy tự đặt mình vào một tư thế thoải mái, sao cho bạn có thể thư giãn tất cả các cơ bắp trên cơ thể. Bạn có thể ngồi hoặc nằm. Nếu đang nằm, bạn có thể kê một chiếc gối nhỏ dưới cổ và một chiếc gối nữa dưới đầu gối. Nhắm mắt lại và giải tỏa tâm trí khỏi phiền nhiễu.Hít thở sâu, một cách thư giãn và chậm rãi. Hãy tập trung vào từng hơi thở, thở sâu và chậm. Khi hít vào, bạn thấy bụng mình được nâng lên cùng với ngực. Khi thở ra, bạn thấy bụng mình hạ xuống từ từ và chậm rãi.Tiếp theo, hãy quét qua từng nhóm cơ chính của bạn, căng (ép) chúng trong vài giây, cảm nhận sức căng đó, rồi thả lỏng. Bắt đầu từ đỉnh đầu, nhướn cơ lông mày, giữ trong vài giây rồi thả lỏng. Tiếp tục, di chuyển xuống phía dưới. Căng giãn cơ mặt và hàm, giữ trong vài giây rồi thả lỏng. Kế đó là cơ vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay.Tiếp tục căng rồi thả lỏng từng nhóm cơ khi bạn đi xuống (ngực, lưng dưới, bụng, hông, mông, đùi, bắp chân, chân), kết thúc ở bàn chân. Tập trung hoàn toàn vào việc giải phóng mọi căng thẳng khỏi cơ bắp của bạn và nhận thấy sự khác biệt mà bạn cảm thấy khi chúng được thư giãn.Khi bạn đã hoàn tất bài tập này, hãy tập trung vào cảm giác thư thái dễ chịu mà mình vừa đạt được, trong bao lâu tùy thích.
- Tập trung nhìn vào một vật hoặc nhắm mắt lại và nghĩ về một khung cảnh yên bình. Hãy hít một hơi thật chậm và sâu.Khi bạn hít vào, hãy căng cơ. Khi bạn thở ra, hãy thư giãn các cơ và cảm nhận sự căng thẳng đang biến mất.Giữ trạng thái thư giãn và bắt đầu thở chậm và thoải mái, hít và thở trong khoảng 9 đến 12 nhịp một phút. Để duy trì nhịp điệu chậm rãi, đều đặn, bạn có thể nhẩm thầm trong đầu mình: "Hít vào, một, hai, ba... Thở ra, một, hai, ba..."Nếu bạn cảm thấy khó thở, hãy hít một hơi thật sâu rồi tiếp tục thở ra chậm rãi.Mỗi lần bạn thở ra, hãy cảm nhận sự thư giãn và buông bỏ mọi phiền não. Tiếp tục thở chậm, nhịp nhàng trong khoảng 10 phút.
Để kết thúc buổi tập, hãy đếm từ một đến ba thật chậm rãi. Mở mắt ra, hãy tự nhủ với bản thân: "Tôi đã thấy tỉnh thức và thư thái". Cử động cơ thể nhẹ nhàng, chậm rãi để thoát khỏi bài tập trước khi trở lại làm bất cứ việc gì tiếp theo.
Lưu ý: Bạn có thể sẽ muốn ghi âm lại phần này để có thể bật lên trong lúc thực hành. Hoặc bạn có thể nhờ một người bạn ghi âm lại nếu bạn không muốn nghe giọng nói của chính mình.
Quán tưởng thường hoạt động tốt nhất khi bạn nhắm mắt. Để bắt đầu, hãy tạo ra một hình ảnh trong tâm trí bạn. Ví dụ, bạn có thể muốn nghĩ về một địa điểm hoặc một hoạt động từng khiến bạn thấy hạnh phúc trong quá khứ. Sau đó, chúng ta sẽ cùng khám phá lại địa điểm hoặc hoạt động này bằng trí tưởng tượng của mình. Hãy chú tâm đến mọi cảm giác của bạn.
Nếu bạn đang bị một cơn đau hành hạ, hãy tưởng tượng đến bạn lúc còn khỏe mạnh và không đau đớn. Hãy tưởng tượng bạn đang cắt dần các dây dẫn tín hiệu đau từ bộ phận này chạy sang bộ phận khác trên cơ thể. Hoặc bạn có thể tưởng tượng ra một quả cầu năng lượng có khả năng chữa lành:
- Nhắm mắt lại và thở chậm. Khi bạn hít vào, hãy nói thầm và chậm rãi với chính mình: "Hít vào, một, hai, ba..." và khi thở ra, hãy nói "Thở ra, một, hai, ba...". Lặp đi lặp lại điều này trong một vài phút. "Hít vào, một, hai, ba…Thở ra, một, hai, ba...".Hãy tưởng tượng có một quả bóng năng lượng chữa lành đang hình thành trong phổi hoặc trên ngực của bạn. Hãy tưởng tượng nó đang dần dlớn dần lên.Tiếp theo, hãy tưởng tượng mỗi lần bạn hít vào, hơi thở đang đẩy quả cầu năng lượng đến vùng cơ thể mà bạn cảm thấy đau đớn. Khi đó, quả bóng sẽ chữa lành và giúp bạn thư giãn. Bạn hãy tưởng tượng rằng quả bóng đang ngày càng to hơn vì nó khiến bạn bớt khó chịu hơn.Khi bạn thở ra, hãy tưởng tượng không khí thổi dần quả bóng ra khỏi cơ thể bạn. Nó trôi đi một cách chậm rãi, mang theo mọi nỗi đau đớn thoát ra khỏi bạn.Lặp lại hai bước cuối cùng mỗi lần bạn hít vào và thở ra.
Để kết thúc quán tưởng, hãy đếm chậm đến ba, hít một hơi thật sâu, mở mắt ra và thầm nói với chính mình: "Tôi đã thấy tỉnh thức và thư thái".
Cuối cùng, còn rất nhiều phương pháp giúp giảm căng thẳng mà bạn có thể tìm hiểu, tham khảo và thực hành. Nhưng thông điệp cuối cùng mà bạn có thể rút ra qua chuỗi bài viết này là:
Căng thẳng vốn là một cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Một chút căng thẳng sẽ có ích trong nhiều tình huống. Mặc dù vậy, nếu bạn để mình bị ngập trong một thế giới có quá nhiều căng thẳng, nó sẽ là thứ nhiên liệu cho bệnh tật khởi phát.
Căng thẳng ngoài việc là chính nó, còn là nguyên nhân gây ra chính nó và hệ quả của chính nó. Căng thẳng gây ra bệnh tật và bệnh tật lại gây ra căng thẳng. Căng thẳng khi bị bệnh sẽ khiến bệnh tật ngày càng trở nên nặng hơn. Và điều này không phải là một phát minh riêng của ngành công nghiệp thuốc lá.
Sự thật là, đã có những cơ chế sinh học được tìm thấy gợi ý việc căng thẳng làm khởi phát ung thư và đặc biệt nó khiến ung thư di căn nhanh hơn ở những bệnh nhân đã mắc bệnh. Kiểm soát căng thẳng vì vậy nên là một phần của việc điều trị bệnh tật, bao gồm điều trị ung thư và các căn bệnh mạn tính khác.
Ở những người khỏe mạnh, phòng ngừa căng thẳng nên là một phần của lối sống lành mạnh, bên cạnh dinh dưỡng, chăm sóc giấc ngủ và hoạt động thể chất. Có chiến lược giải tỏa căng thẳng cũng là bạn đang thực hiện chiến lược phòng ngừa bệnh tật từ xa một cách khoa học và hiệu quả.
Tổng hợp