Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Khi quan sát loài cá heo, con người có thể cảm nhận một nguồn năng lượng tích cực và vui vẻ toả ra từ chúng. Một trong những hành động của cá heo được nhiều người chứng kiến nhất chính là việc cưỡi sóng trước các mũi tàu thuyền đi biển. Liệu hành vi này chỉ mang chất vui đùa hay còn lí do nào khác?
Theo Bách khoa toàn thư về động vật có vú ở biển, loài cá heo đã cưỡi trên những con sóng hình cung kể từ khi có những chiếc thuyền chạy nhanh trên đại dương. Ngay cả người Hy Lạp xa xưa cũng đã từng có ghi chép về việc cá heo cưỡi sóng cung ở vùng biển Địa Trung Hải.
Điểm tương đồng là theo quan điểm của con người thời xa xưa lẫn hiện đại, họ đều cho rằng việc cưỡi sóng trước mũi tàu của cá heo là một khám phá của chúng trong việc khai thác luồng sóng áp suất được tạo ra bởi tàu thuyền.
Cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) đặc biệt nổi tiếng với khả năng cưỡi những con sóng hình cánh cung này. Chúng cũng là loài phổ biến nhất được nhìn thấy khi nhắc đến các hoạt động du lịch ngắm cá heo và các chuyến ngắm cảnh biển bằng thuyền. Bởi vậy, một nghiên cứu năm 2009 đã nghiên cứu riêng về loài cá heo mũi chai, về cách mà chúng tương tác khi gặp nhiều loại tàu thuyền khác nhau.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng từ năm 2003 đến năm 2006, người ta đã gặp 201 nhóm cá heo, chỉ có 44 nhóm trong số này thể hiện hành vi tương tác với tàu thuyền. Họ báo cáo rằng việc cưỡi sóng trước mũi tàu thường được cá heo sử dụng trong trường hợp khi chúng có dấu hiệu bị đuối về thể lực. Nghĩa là, việc cưỡi sóng cung được tạo ra bởi mũi tàu là để giảm tiêu tốn năng lượng khi bơi của cá heo.
Đây có lẽ là mục đích lớn nhất của cá heo trong việc cưỡi sóng dù rất có thể nó còn mang yếu tố như một hoạt động giải trí của chúng.
Nghiên cứu còn gợi ý thêm rằng các yếu tố như loại tàu, hoạt động của tàu và trạng thái động cơ đều có khả năng ảnh hưởng đến mức độ hoạt động và tương tác của cá heo với tàu thuyền.
Trong một nghiên cứu khác được trình bày tại Hội nghị thường niên lần thứ 28 của Hiệp hội động vật có vú châu Âu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cá heo ở những khu vực biển khác nhau cũng có kiểu hành vi cưỡi sóng khác nhau.
Việc cưỡi sóng trước mũi tàu còn có thể được xem như một hành vi chơi đùa của cá heo.
Ví dụ như cá heo ở eo biển Istanbul thường có xu hướng cưỡi sóng mui tàu nhiều hơn. Sở dĩ vậy bởi khu vực này là một môi trường thuận lợi cho việc tìm kiếm thức ăn. Do đó, cá heo ở eo biển Istanbul thường có tâm trạng vui vẻ hơn và hành vi cưỡi sóng được xem như một hoạt động vui chơi của chúng.
Người ta đã quan sát thấy không chỉ cá heo cưỡi sóng mũi tàu mà còn cả cá nhám phơi nắng (Cetorhinus maximus) cũng làm điều tương tự. Từ năm 2012 đến năm 2019, người ta đã nhìn thấy cá heo tương tác với cá nhám phơi nắng 6 lần ngoài khơi bờ biển phía tây nam Ireland và nhóm nghiên cứu đã ghi lại tất thảy 94 lần cưỡi sóng của chúng.
Suy cho cùng, tất cả nghiên cứu này chỉ ra lý do lớn nhất cho việc tại sao cá heo thích cưỡi sóng mũi tàu nằm ở việc nó có thể mang lại lợi thế về năng lượng cho cá heo đang bơi. Điều này giúp chúng tiếp cận được những bãi kiếm ăn ưa thích. Hoặc cung cấp cho chúng nhiều cơ hội hơn để săn mồi vì thuyền có thể làm khuấy động cá trong khu vực.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên yếu tố vui chơi. Cá heo là loài động vật rất thông minh, có tính xã hội và tò mò, vì vậy rất có thể chúng đang cưỡi những con sóng hình cánh cung chỉ để giải trí.