Counterpoint Research mới đây đã công bố danh sách 10 mẫu điện thoại bán chạy nhất thế giới trong năm 2022. Không bất ngờ khi iPhone 13 trở thành mẫu máy đứng đầu danh sách này, bỏ xa những cái tên khác như iPhone 14 Pro Max, iPhone 13 Pro Max hay Galaxy A13. Đáng chú ý, có tới 8 chiếc iPhone lọt trong danh sách này, bao gồm cả iPhone SE 2022 – một mẫu máy đã quá lỗi thời về thiết kế, dung lượng pin hay màn hình.

Trên thực tế, 2022 không phải năm duy nhất mà một chiếc iPhone đứng đầu danh sách điện thoại bán chạy nhất thế giới. Theo dữ liệu được tổng hợp trong vòng 5 năm trở lại đây, lần lượt iPhone X, iPhone XR, iPhone 11, iPhone 12 và iPhone 13 trở thành thiết bị được người dùng săn đón nhiều nhất. Trái lại, những chiếc điện thoại Android nằm trong danh sách bán chạy lại chủ yếu là smartphone giá rẻ, tầm trung, vốn không đem lại quá nhiều lợi nhuận cho những Samsung, OPPO hay Xiaomi.

BXH doanh số smartphone 5 năm gần nhất (nguồn: Counterpoint Research)

Vậy thì, tại sao những chiếc iPhone luôn nằm trong top điện thoại bán chạy nhất thế giới?

Chính sách bán hàng thông minh, không bị phân mảnh

Trong vòng một năm, thế giới Android chứng kiến sự ra mắt của vô vàn các mẫu máy mới, với đa dạng thể loại, mẫu mã và phân khúc giá khác nhau. Tuy nhiên, việc trình làng quá nhiều sản phẩm khiến thị trường điện thoại Android nhanh chóng bị bão hoà, các sản phẩm thường không nổi bật và để lại nhiều ấn tượng đến người dùng.

Với Apple, mọi thứ diễn ra hoàn toàn khác. Trong vòng một năm, Táo khuyết chỉ ra mắt 4-5 chiếc iPhone khác nhau. Chúng đều thuộc phân khúc cận cao cấp hay flagship và dễ dàng để lại ấn tượng với người dùng. Đáng nói hơn, với các phân khúc giá thấp hơn, Apple chọn cách bán lại các thiết bị của năm trước đó.

Chẳng hạn, khi Apple ra mắt iPhone 14 series, họ sẽ tiếp tục bán các dòng máy tiêu chuẩn với tầm giá thấp hơn. iPhone 13 và iPhone 12 sẽ được đẩy xuống phân khúc giá cận cao cấp, trong khi iPhone 11 được định hình là một mẫu máy tầm trung, phù hợp với túi tiền của đa phần người dùng.

Điều này giúp Apple có thể phủ kín gần như mọi phân khúc giá mà người dùng quan tâm tới. Táo khuyết từ đó cũng tránh được sự phân mảnh không cần thiết và dễ dàng để lại ấn tượng với người dùng hơn. Đó là còn chưa kể, những chiếc iPhone cũ hơn nữa (iPhone 8 Plus hay iPhone XR chẳng hạn) vẫn đang nhận được sự quan tâm và chọn mua không hề nhỏ cho nhu cầu hàng cũ.

iOS và hệ sinh thái Apple

Sự thành công của Apple iPhone góp công lớn từ chính iOS và hệ sinh thái của Apple. Do bản thân làm chủ từ phần cứng đến phần mềm, Táo khuyết có thể dễ dàng tối ưu, tinh chỉnh và thiết kế hệ thống ứng dụng sao cho chúng hoạt động một cách ổn định, mượt mà nhất.

Có một nghịch lý rằng mặc dù được thiết kế và phát hành bởi Google, nhưng chính những ứng dụng như YouTube, Docs, Sheets hay Drive trên iOS lại được tối ưu tốt hơn so với Android. Đó là minh chứng cho việc một hãng phần cứng có thể làm chủ và kiểm soát phần mềm tốt đến thế nào.

Một hệ quả khác của việc này là Apple thường không cần trang bị thông số phần cứng quá nhiều khi so sánh với các hãng Android. Lấy ví dụ đi, một chiếc iPhone 14 có 4GB RAM nhưng cho hiệu quả hoạt động ngang ngửa nhiều mẫu máy Android với 6GB, thậm chí 8GB RAM. iPhone 14 Pro Max có viên pin 4.325mAh nhưng thời gian sử dụng thậm chí còn hơn nhiều mẫu máy Android có pin 5.000mAh.

Thêm vào đó, mối liên kết trong hệ sinh thái cũng là yếu tố mấu chốt tạo nên sự thành công của iPhone. Khi dùng một thiết bị của Táo khuyết, người dùng thường sẽ có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm khác trong hệ sinh thái, chẳng hạn như tai nghe AirPods hay máy tính bảng iPad. Từ đó, họ dần xây dựng được sự trung thành với Apple và sẽ gắn bó lâu dài mỗi khi hãng ra sản phẩm mới.

Dùng iPhone, bạn có thể dễ dàng chia sẻ tin nhắn, file hay một thông tin nào đó vào hệ sinh thái thông qua AirDrop. Thay vì sử dụng webcam trên MacBook, chúng ta có thể thay thế bằng chính camera sau trên iPhone nhờ Continuity Camera. Các thiết bị AirPods có thể được nghe và tuỳ chỉnh trên rất nhiều thiết bị khác nhau, từ iPad, MacBook cho đến cả Apple TV.

Dễ dàng thay thế, sửa chữa; ít bị mất giá

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những linh kiện như pin hay màn hình của iPhone 4 hay iPhone 4S – hai mẫu máy đã ra mắt cách đây trên dưới 10 năm. Tuy nhiên, khi nhìn sang các mẫu flagship Android cùng thời, lượng linh kiện có sẵn là rất ít, hoặc thậm chí gần như là không có. Đây được xem là yếu tố vô cùng quan trọng khi mà những mẫu iPhone cũ có thể thay thế, sửa chữa dễ dàng và cho ra trải nghiệm ngoại hình hay phần cứng tốt hơn các mẫu máy Android cùng thời.

iPhone 4, một mẫu máy đã ra mắt trên 10 năm

Đó cũng là một phần lý do giải thích vì sao iPhone thường giữ giá hơn. Lấy ví dụ đi, các cửa hàng điện thoại cũ hiện đang niêm yết iPhone 11 Pro Max với mức giá khoảng 10 – 10,5 triệu đồng. Nhưng hãy nhìn sang các mẫu máy Android cùng năm đi: Xperia 1 hay LG V50 giá chỉ đang dưới 4 triệu đồng, trong khi Galaxy Note 10 Plus – thiết bị coi là bình ổn giá nhất Android hiện đang được bán với giá dưới 8 triệu đồng.

Chính sự mất giá quá nhanh của các thiết bị Android khiến người dùng sinh ra tâm lý “không mua điện thoại Android do chúng mất giá và bán không được tiền”. Họ chọn iPhone vì sự an toàn, đảm bảo và trên hết, mức giá luôn bình ổn theo thời gian.

Một yếu tố nhỏ khác là người dùng rất dễ tìm kiếm phụ kiện cho iPhone. Nhờ số lượng thiết bị ít và được giới hạn, họ có thể tìm kiếm vô vàn phụ kiện khác nhau, từ ốp lưng, cường lực, các bộ cáp sạc từ bên thứ ba cho đến sạc không dây hay bao da MagSafe. Đổi lại, ngoài một số mẫu máy nổi tiếng như Samsung hay Xiaomi, thị trường điện thoại Android nhìn chung hỗ trợ phụ kiện không quá đa dạng, nổi bật.

Sức hút từ biểu tượng “Táo khuyết”

Một yếu tố khác dẫn tới thành công của những chiếc iPhone đến từ chính biểu tượng “quả táo cắn dở”. Nhờ việc chỉ bán điện thoại cao cấp, Apple dần dần xây dựng giá trị thương hiệu và từ đó tạo một thói quen rằng “cứ iPhone là sẽ cao cấp”. Trên thực tế, rất nhiều người dùng chọn mua iPhone mà không cần quan tâm đến cấu hình, camera hay bất cứ yếu tố phần cứng nào khác. Họ mua chỉ vì một lý do rất đơn giản: nó là iPhone.

Nhìn chung, trải nghiệm dùng iPhone là rất tốt. Một chiếc iPhone sau nhiều năm vẫn giữ cho mình những DNA đặc trưng và cần phải thừa nhận rằng, chúng vẫn rất cao cấp, rất sang trọng và không hề lỗi thời. Mua iPhone, người dùng không cần quá bận tâm về chuyện mất giá, nhanh xuống cấp hay tìm một nơi để thay thế linh kiện. Và chính những yếu tố nhỏ bên trên đã xây dựng được hình tượng “quả táo cắn dở” mà rất nhiều người yêu thích, chọn mua.

Liệu sẽ có bất ngờ từ các hãng Android?

Hãy nói về tương lai đi. Ít nhất là trong năm 2023 hoặc năm 2024, iPhone vẫn sẽ thống trị bảng xếp hạng doanh số trên thế giới. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là không có cơ hội cho các hãng Android.

Theo thông lệ, một chiếc iPhone tiêu chuẩn sẽ dẫn đầu doanh số bán ra trên toàn thế giới. Nhưng với iPhone 14, mọi chuyện có thể khác đi rất nhiều. Sự quan tâm đến series iPhone 14 tiêu chuẩn (bao gồm c dòng Plus) kém hơn rất nhiều so với trước kia, thay vào đó là những model iPhone 14 Pro hay iPhone 14 Pro Max. Chúng có quá nhiều nâng cấp đáng giá và hoàn toàn xứng đáng với mức chênh lệch cả triệu đồng giữa các phiên bản. Tuy nhiên, iPhone 14 Pro hay iPhone 14 Pro Max lại đang quá thiếu ổn định. Chúng xuất hiện quá nhiều lỗi từ đơn giản như bàn phím, pin cho đến nghiêm trọng như sọc màn hình hay tróc khung viền.

Trái lại, các mẫu flagship Android đang ngày càng hoàn thiện hơn, cân bằng hơn. Những lợi thế cạnh tranh vốn có của iPhone như sự mượt mà, pin hay camera dần bị . Chưa kể, flagship Android lại quá đa dạng và trang bị quá nhiều tính năng độc đáo, khác biệt chứ chẳng hề đơn điệu, tối giản như trên iPhone.

Cá nhân mình cho rằng iPhone vẫn sẽ thống trị bảng xếp hạng doanh số trong từ 1-2 năm tới. Còn khi xa hơn, nếu Táo khuyết vẫn không tạo ra một thứ gì đó vượt trội và độc nhất, viễn cảnh một chiếc flagship Android đứng đầu thị phần sẽ không còn xa.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.