Ảnh đồ họa thể hiện một đĩa quan sát từ hệ thống ASKAP của CISRO và hai dạng vật thể mà nó theo đuổi là sao neutron và sao lùn trắng - Ảnh đồ họa: Carl Knox/OzGrav

Sao neutron vốn là phần lõi bị sụp đổ, co cụm lại của một ngôi sao siêu khổng lồ đã cạn năng lượng và phát nổ trong một sự kiện siêu tân tinh.

Tuy nhỏ gọn, dạng "thây ma" này là một trong những loại vật thể mạnh mẽ nhất vũ trụ.

Trong quá trình sụp đổ, vật chất bị nén trở nên dày đặc đến mức các electron mang điện tích âm bị nghiền nát thành các proton mang điện tích dương và những gì còn lại là một vật thể được tạo thành từ hàng ngàn tỉ hạt mang điện tích trung tính. Đó là sao neutron.

Với đặc tính vật lý khắc nghiệt đó, các sao neutron thường quay nhanh đến mức khó tin, chỉ mất vài giây hoặc thậm chí một phần giây để quay hoàn toàn trên trục của chúng.

Vì vậy, bản thân việc quay quá chậm - phát ra tín hiệu vô tuyến trong khoảng thời gian tương đối nhàn nhã là 53,8 phút - của ASKAP J1935+2148 đã đủ nó trở thành một vật thể vô lý.

Bên cạnh đó, chính sự quay nhanh giúp sao neutron phát ra sóng vô tuyến dữ dội, truyền rất xa.

Nhưng ASKAP J1935+2148 dù quay chậm rãi vẫn có thể phát vô tuyến mạnh mẽ đến Trái Đất, hành tinh cách nó tận 16.000 năm ánh sáng.

Bằng cách đó, ASKAP J1935+2148 ma quái đã làm rung chuyển các quy luật vật lý thiên văn.

Theo bài công bố trên tạp chí Nature Astronomy, ASKAP J1935+2148 quay chậm hơn bất kỳ sao neutron nào từng được nhân loại biết đến.

GS Ben Stappers từ Đại học Manchester (Anh), đồng tác giả, cho biết trong nghiên cứu về các sao neutron, chúng ta đã quá quen với những điều cực đoan, nhưng việc phát hiện ra một ngôi sao nhỏ quay rất chậm mà vẫn phát ra sóng vô tuyến là một điều bất ngờ.

“Nó chứng tỏ rằng việc mở rộng ranh giới không gian tìm kiếm của chúng ta bằng thế hệ kính thiên văn vô tuyến mới này sẽ tiết lộ những điều bất ngờ thách thức sự hiểu biết của chúng ta” - GS Stappers nói thêm.

ASKAP J1935+2148 được phát hiện bởi hệ thống kính viễn vọng vô tuyến ASKAP của CSIRO ở Tây Úc; trong khi nghiên cứu về nó bao gồm các quan sát bổ sung từ hệ thống kính viễn vọng MeerKAT đặt tại Nam Phi.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.