Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Từ lâu, các "chớp sóng vô tuyến" (FRB), một loại tín hiệu radio bùng nổ, cực ngắn, cực mạnh và cực nhanh, truyền từ những thế giới rất xa xôi - đa số là từ thiên hà khác - đến Trái Đất đã gây bối rối cho các nhà khoa học.
Có nhiều "nghi phạm" được đề cập trong các nghiên cứu trước đây: Người ngoài hành tinh, lỗ đen, sao neutron, các kiểu va chạm vũ trụ...
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Dang Pham từ Đại học Toronto (Canada) đã tìm ra những manh mối mới.
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra FRB từ khắp bầu trời. Có ước tính rằng 10.000 FRB có thể xảy ra tại các điểm ngẫu nhiên trên bầu trời Trái Đất mỗi ngày.
Vì vậy, những sự kiện hiếm khi xảy ra như các lỗ đen va chạm nhau hay các sao neutron va chạm nhau sẽ khó giải thích đầy đủ nguồn gốc FRB.
Nghiên cứu mới cho thấy loại tín hiệu kỳ lạ này có thể được phát ra từ một sự kiện thường xuyên hơn: Các sao neutron bị tấn công bởi tiểu hành tinh hay sao chổi, giải phóng các xung vô tuyến mạnh mẽ như một tiếng thét kinh khủng vang khắp vũ trụ.
Sao neutron là một thế giới đã chết. Nó là tàn dư của những ngôi sao khổng lồ đã đi hết vòng đời, sụp đổ, co cụm lại thành một khối cầu nhỏ bé nhưng giàu năng lượng.
"Sao neutron là những nơi cực đoan, với khối lượng lớn hơn Mặt Trời nhiều lần bị nén vào một quả cầu đường kính khoảng 20 km, mang lại cho chúng một số trường hấp dẫn và từ trường mạnh nhất trong vũ trụ" - đồng tác giả Matthew Hopkins từ Đại học Oxford (Anh) giải thích.
Chính vì vậy, chỉ một tác động nhỏ cũng đủ để gây ra sự bùng nổ, giải phóng một tín hiệu vô tuyến cực mạnh, cực sáng dưới "đôi mắt" các đài thiên văn vô tuyến.
Ước tính chỉ cần một tiểu hành tinh nhỏ lao vào sao neutron, năng lượng được giải phóng cũng đủ để nhân loại sử dụng trong vòng 100 triệu năm.
Vì vậy, các xung vô tuyến từ vụ va chạm thừa sức vượt quãng đường hàng triệu năm ánh sáng để đến được Trái Đất.
Mô hình của nhóm tác giả cũng chỉ ra các vật thể giữa các vì sao (ISO), một lớp tiểu hành tinh và sao chổi chưa được nghiên cứu nhiều, có mặt giữa các ngôi sao trong các thiên hà trên khắp vũ trụ.
Chúng hiện diện với số lượng đủ nhiều để liên tục tấn công các sao neutron, giải thích cho số lượng FRB lớn mà nhân loại đã nắm bắt.
Nghiên cứu cũng cho thấy các đặc tính dự kiến mà loại va chạm này sở hữu, phù hợp với dữ liệu về FRB đã có, bao gồm thời lượng, năng lượng và tốc độ chúng xảy ra trong suốt vòng đời của vũ trụ.