Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Từ nơi xa, một thiên thể đang bay về phía Trái Đất. Các tính toán cho thấy 2024 PT5 sẽ không trực tiếp va chạm với chúng ta, chỉ "dạo chơi" trong không gian quanh Trái Đất tầm 2 tháng rồi tiếp tục hành trình vô định của mình. Được biết, tiểu hành tinh sẽ bị "tạm giữ" bởi lực hấp dẫn của Trái Đất trong giai đoạn từ 29/9 cho tới 25/11 tới đây.
2024 PT5 được phát hiện ra hồi tháng Tám bởi nhóm ATLAS (Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System, tạm dịch "Hệ thống cảnh Báo Cuối cùng về Thiên thể va chạm Trái Đất"). Dựa trên những gì quan sát và kết quả tính toán, nhóm các nhà khoa học của ATLAS đã công bố một báo cáo về 2024 PT5, tuy nhiên báo cáo chưa được bình duyệt.
Trong quá khứ, đã nhiều lần các nhà thiên văn học lầm tưởng rác thải vũ trụ là "mặt trăng tạm" của Trái Đất. Đơn cử như sự kiện hồi năm 2020, đến khi vật thể lạ tiến tới gần Trái Đất, chúng ta mới biết nó là bộ phận tên lửa đẩy - phế thải của cuộc phóng tàu Surveyor 2 Centaur từ năm 1966.
Tuy nhiên, lần này các nhà nghiên cứu tại ATLAS quả quyết về khẳng định của mình. Mặt trăng tạm lần này có thực, tên là 2024 PT5 và chuẩn bị ghé thăm Trái Đất. Nhà thiên văn học nghiệp du Tony Dunn đã mô phỏng đường đi của tiểu hành tinh với video ngắn dưới đây.
Quỹ đạo dự kiến của 2024 PT5 quanh Trái Đất - Video: Tony Dunn.
Theo tính toán, 2024 PT5 sẽ không hoàn thành một được một quỹ đạo quanh Trái Đất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng khó có thể quan sát nó bằng kính viễn vọng. Cấp sao tuyệt đối của 2024 PT5 cao*, vậy nên các chuyên gia sẽ phải sử dụng những kính viễn vọng chuyên dụng để quan sát tiểu hành tinh này.
*Trong thiên văn học, cấp sao tuyệt đối (ký hiệu: M) là đơn vị đo độ sáng của một thiên thể. Một vật thể có cấp sao tuyệt đối càng cao thì khả năng quan sát được nó càng thấp. Trong đó: M của Mặt Trời là +4,83; M của 2024 PT5 là 27,593; trong khi đó, một số vật thể cực sáng có thể có số đo M âm, ví dụ như cấp sao tuyệt đối của Dải Ngân hà là −20,8.
Sự kiện này từng diễn ra chưa?
Những mặt trăng tạm dạng này không hiếm, thực tế những sự kiện "ghé thăm" tương tự diễn ra thường niên. Năm 2022, Trái Đất cũng sở hữu một mặt trăng tạm, là một thiên thể có tên 2022 YG. Trong quá khứ, một số thiên thể đủ sáng để quan sát được bằng kính viễn vọng nghiệp dư.
Một số thiên thể khác dường như thích chọn Trái Đất làm nơi du lịch nhiều lần. Trong lịch sử, thiên thể 2022 NX1 đã ghé thăm Trái Đất 2 lần, vào năm 1981 và 2022. Dự kiến, 2022 NX1 sẽ quay lại Trái Đất vào năm 2051.
Trong khi đó, 2006 RH120 lại là một trường hợp đặc biệt khác, khi thiên thể này bay ở quỹ đạo quanh Trái Đất suốt một năm, từ tháng 7/2006 tới tháng 7/2007.
Những sự kiện thiên văn thú vị này xảy ra thường xuyên tới mức, một số nhà khoa học cho rằng Trái Đất luôn sở hữu một mặt trăng tạm đâu đó ngoài xa, chỉ chưa được phát hiện ra mà thôi.