Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng nể, và mới đây các chuyên gia của đất nước tỷ dân vừa đề xuất dự án “phòng không gian” mới nhằm thử thách giới hạn chính mình. Sứ mệnh sẽ phóng cùng lúc hai tàu lên không: một tàu sẽ đâm vào thiên thạch, tàu còn lại sẽ theo dõi thiên thể này nhằm nghiên cứu về quỹ đạo cũng như thành tố tạo nên nó.
Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Hoa (CNSA) cũng đã tìm ra đối tượng khả thi nghiên cứu của sứ mệnh lớn này. Họ dự định sẽ tiếp cận 2015 XF261, một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 30 mét, và vừa mới bay ngang Trái Đất hồi đầu tháng 7 năm nay.
Theo dữ liệu của Phòng thí nghiệm Tên lửa Đẩy (JPL) của NASA, 2015 XF261 vừa “tạt ngang” chúng ta hôm 9/7 vừa qua, bay cách Trái Đất khoảng 49 triệu kilomet với tốc độ 11,61 km/s.
Theo một báo cáo mới xuất bản trên Journal of Deep Space Exploration, phân tích những sứ mệnh xoay quanh tiểu hành tinh 2015 XF261, thì sứ mệnh của người Hoa sẽ là “một cuộc trình diễn xử lý phòng thủ không gian” nhằm mục đích “đối phó với nguy cơ tiểu hành tinh gần Trái Đất có thể gây ra va chạm với Trái Đất”.
Sứ mệnh sẽ nối gót thành công của dự án NASA thực hiện hồi năm 2022 có tên Bài thử Tái định hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART), tại đó NASA đã thành công trong việc đổi hướng cặp tiểu hành tinh Didymos.
Tàu DART nặng 610 kg, bay với tốc độ 6 km/s đã đâm vào Dimorphos - tiểu hành tinh bé hơn trong cặp thiên thể nêu trên, và bay với quỹ đạo quanh Didymos. Tác động của DART đã làm chệch hướng bay của cặp tiểu hành tinh, qua đó cho thấy nếu đủ thời gian chuẩn bị kỹ càng, chúng ta có thể sớm làm chệch đường bay của những thiên thạch bay hướng về Trái Đất.
Tháng 10/2024, Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) sẽ phóng lên không tàu thăm dò Hera tới cặp tiểu hành tinh trên nhằm phân tích sâu hơn tác động của sứ mệnh DART. Tàu Hera sẽ tới nơi vào năm 2026.
Sứ mệnh của người Hoa sẽ kết hợp mục tiêu của cả DART và Hera, khi vừa cho tàu va chạm với tiểu hành tinh 2015 XF261, vừa cho tàu theo dõi nó trong 1 năm 6 tháng tiếp theo.
Theo phỏng đoán của các nhà khoa học, 2015 XF261 được cấu thành từ những vật chất sót lại sau quá trình hình thành hành tinh diễn ra từ 4,6 tỷ năm trước. Vì thế, trên 2015 XF261 sẽ là những vật chất vốn được dùng trong công cuộc kiến tạo các thiên thể trong Hệ Mặt Trời.
Dự kiến, sứ mệnh va chạm và theo dõi của Trung Quốc sẽ được khởi động trước năm 2030, và các chuyên gia sẽ sớm lên tiếng nếu như mục tiêu nghiên cứu của họ thay đổi. Việc nghiên cứu tiểu hành tinh gần Trái Đất vốn phải được thực hiện đúng thời điểm, để tận dụng khung thời gian mà tại đó thiên thể bay gần Trái Đất nhất, cũng như bay với tốc độ khiêm tốn nhất.
Bảng dưới đây cho thấy thời điểm 2015 XF261 sẽ bay ngang Trái Đất, với ước tính vận tốc và khoảng cách của nó so với chúng ta.
Năm 2027, 2015 XF261 sẽ tiếp cận Trái Đất vào hai thời điểm là tháng 3 và tháng 5, và đều bay với tốc độ tương đối chậm. Tuy vậy có 2 yếu tố khiến thời điểm 2027 chưa chín muồi.
Đầu tiên, quãng thời gian chuẩn bị 3 năm vẫn còn quá ngắn ngủi. Thứ hai, khoảng cách 31-34 triệu kilomet vẫn quá ư xa xôi. Trên thực tế, tàu DART tiếp cận tiểu hành tinh Dimorphos khi nó chỉ cách chúng ta 11,2 triệu kilomet, mà chuyến bay vẫn kéo dài khoảng 10 tháng.
Thời điểm hợp lý nhất để tiếp cận 2015 XF261 là vào ngày 10/4/2029, khi thiên thể chỉ cách Trái Đất 6,6 triệu kilomet và bay ở tốc độ vừa phải.