Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.
Những năm 2015, 2016, đèn LED thông báo từng là trang bị phổ biến trên rất nhiều điện thoại thông minh hồi đó. Chỉ với một chiếc đèn bé xíu, người dùng có thể theo dõi tình trạng nhận tin nhắn, cuộc gọi nhỡ hay thông báo một cách nhanh chóng, tiện lợi. Từng phổ biến là vậy, thế nhưng tính năng này dường như đã biến mất trên hầu hết mẫu smartphone mới ra mắt.
Từng là trang bị phổ biến trên smartphone
Không có thông tin cụ thể về việc đâu là mẫu máy đầu tiên được trang bị đèn LED thông báo, tuy nhiên, theo tìm hiểu, trang bị này đã có mặt trên điện thoại phổ thông (Feature phone) từ những năm 2000. Chẳng hạn, trên chiếc Ericsson E380, nhà sản xuất có trang bị một đèn báo trạng thái, sẽ sáng lên khi thiết bị sắp hết pin.
Khi chuyển giao sang thế hệ điện thoại thông minh, công dụng của đèn LED thông báo càng được đề cao. Thậm chí, một số nhà sản xuất còn “biến tấu” trang bị này với thiết kế bắt mắt và nổi bật hơn nhiều. Chẳng hạn, Xperia SP được trang bị một thanh mờ chạy dọc cạnh dưới của thiết bị, có thể đồng bộ ánh sáng với bản nhạc đang nghe.
Rõ ràng, đèn LED thông báo giúp người dùng nắm bắt tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ một cách nhanh chóng, tiện lợi. Nó đủ sáng để thu hút sự chú ý của bạn, trong khi không tiêu hao quá nhiều điện năng để ảnh hưởng đến thời lượng pin.
Tất nhiên, chiếc đèn này cũng hỗ trợ hiển thị nhiều màu sắc khác nhau, tuỳ thuộc vào từng loại thông báo khác nhau. Chẳng hạn, khi có thông báo từ Facebook, Messenger hay Instagram, đèn LED sẽ chỉ màu xanh dương. Với tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ, đèn sẽ chỉ báo xanh lá. Còn khi hết pin, đèn sẽ chuyển sang màu đỏ và nhấp nháy liên tục.
Thậm chí, người dùng còn có thể tuỳ chỉnh màu đèn thông qua các công cụ bên thứ ba. Các ứng dụng như Light Flow hay bản ROM CyanogenMod (nay là LineageOS) cho phép chỉnh màu đèn theo mọi cách khác nhau, vượt xa những gì nhà sản xuất cho phép.
Cuối cùng, đèn LED thông báo còn có một lợi ích khác cho người dùng Sony. Khi truy cập vào chế độ Fastboot / Download, đèn chỉ báo sẽ chuyển sang màu xanh dương / xanh lá, báo hiệu cho họ biết thiết bị đang ở chế độ nạp ROM.
Hữu ích là vậy, thế nhưng không thể phủ nhận việc đèn LED thông báo đang dần biến mất trên điện thoại thông minh. Galaxy Note 8 là một trong những chiếc máy Samsung cuối cùng còn giữ lại công nghệ này. Một nhà sản xuất đình đám khác là Sony cũng đã loại bỏ đèn LED vật lý trên Xperia 1 V. Chỉ có Nothing Phone (2) là chiếc máy hiếm hoi còn có tính năng này, tuy nhiên cụm đèn LED lại được chuyển sang mặt lưng thay vì cạnh màn hình như truyền thống. Vậy, lý do cho việc này là từ đâu?
Lý do số 1: Viền điện thoại ngày càng mỏng
Sự phát triển về thiết kế đang khiến viền màn hình trên điện thoại thông minh ngày càng mỏng. Để tạo ra màn hình tràn viền với bốn cạnh mỏng, các nhà sản xuất buộc phải loại bỏ hầu hết các phần cứng xung quanh màn hình. Điều này đồng nghĩa với việc họ không còn không gian để tích hợp đèn LED thông báo lên cạnh như trước đây.
Lấy ví dụ, một sản phẩm ra mắt cuối năm 2023 là Xiaomi 14 chỉ có độ mỏng cạnh viền 1,71 mm. Con số này thậm chí còn bé hơn kích thước của rất nhiều bóng đèn LED phổ thông, vốn dao động từ 2 – 3 mm. Do đó, việc tích hợp đèn LED trên chiếc máy này trở nên vô cùng khó khăn và phức tạp.
Sở dĩ Xperia 1 III hay Xperia 5 III được trang bị đèn LED thông báo vì mặt trước những chiếc máy này vẫn đi theo thiết kế truyền thống với hai viền trên dưới dày. Nhờ đó, nhà sản xuất có đủ không gian để bố trí camera trước và đèn LED thông báo lên cạnh trên. Trong khi đó, Nothing bố trí cụm đèn LED trên Nothing Phone (2) theo đường dài và đặt ở mặt lưng.
Lý do số 2: Người dùng đã có những lựa chọn thay thế
Công dụng lớn nhất của đèn LED thông báo là giúp người dùng nắm bắt nhanh thông tin cuộc gọi hoặc cuộc trò chuyện mới. Thế nhưng, hiện điện thoại Android đã cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau. Chúng có công dụng tương đương, thậm chí tốt hơn mà không phải hy sinh không gian như đèn LED vật lý.
- Màn hình Always-on Display: Khi khởi động Always-on Display, người dùng có thể theo dõi thông báo một cách nhanh chóng mà không cần bật sáng màn hình. Đặc biệt, trên các mẫu iPhone đời mới như iPhone 14 Pro, iPhone 15 Pro, họ còn có thể xem chi tiết nội dung thông báo tương tự như trên màn hình khoá.
- Đèn sáng cạnh: Nếu không muốn bật Always-on Display, họ vẫn có thể theo dõi thông báo bằng tính năng Đèn sáng cạnh. Khi một thông báo mới đến, cạnh màn hình sẽ xuất hiện các quầng sáng nhằm báo hiệu cho người dùng. Tính năng này hiện có sẵn với một số mẫu máy đến từ Xiaomi hay Samsung.
- Ứng dụng bên thứ ba: Một số ứng dụng trên Play Store như aodNotify cho phép hiển thị vầng sáng xung quanh camera trước mỗi khi có thông báo mới đến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây không phải một cách làm hay. Theo Android Authority, việc kích hoạt aodNotify có thể khiến thiết bị tiêu tốn từ 1 – 2% pin mỗi giờ. Chưa kể, họ cũng đánh giá ánh sáng phát ra không đủ tốt để thay thế cho đèn LED vật lý.
Tạm kết: Đèn LED thông báo trên điện thoại thông minh
Nhìn chung, việc đèn LED thông báo dần biến mất là một điều tất yếu trong hành trình phát triển của điện thoại thông minh. Khi tối ưu thiết kế, các nhà sản xuất điện thoại buộc phải hy sinh trang bị này để giúp các cạnh màn hình trở nên mỏng và đều hơn. Ngoài ra, người dùng hiện cũng có đủ sự lựa chọn thay thế cho đèn LED vật lý từ màn hình Always-on Display, đèn sáng cạnh cho đến các ứng dụng bên thứ ba.