Vật thể đáng sợ đó là một ngọn núi lửa ngầm, chễm chệ gần nơi giao nhau của 3 mảng kiến tạo, theo tờ Live Science.

Được đặt tên là Daiichi-Kashima, núi lửa ngầm đã tắt này nằm ở rìa mảng kiến tạo Thái Bình Dương, cách bờ biển phía Đông Nhật Bản chỉ 40 km.

Đó là một "giao điểm hút chìm", nơi mảng Thái Bình Dương ở phía Đông và mảng Philippines ở phía Nam đều đang dần trượt xuống bên dưới mảng Okhotsk ở phía Bắc.

Hoạt động hút chìm này đã bắt đầu từ khoảng 150.000-250.000 năm trước, đưa vật thể ngầm này dần tiến sâu vào bên trong vỏ Trái Đất, theo PGS Euseo Choi từ Trung tâm Thông tin và nghiên cứu động đất của Đại học Memphis (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu mới.

Còn theo TS Sungho Lee, tác giả chính, cũng đến từ Đại học Memphis, dù đã ở cách bề mặt Trái Đất gần 50 km, ngọn núi lửa ngầm này vẫn đủ gây ra động đất.

Nó được xác định là nguyên nhân của rất nhiều trận động đất lớn nhỏ mà Nhật Bản đã phải trải qua trong 4 thập kỷ gần đây, bao gồm các trận có cường độ 7 đến 7,8 độ theo thang Mercalli.

Trong thang đo động đất này, từ 7-7,8 độ chỉ các trận động đất lớn, thiệt hại nghiêm trọng. Mức cao nhất của thang Mercalli là 8 độ trở lên, chỉ các trận động đất mạnh tới nổi có thể xóa sổ hoàn toàn các cộng đồng gần tâm chấn.

Các trận động đất mà núi lửa ngầm Daiichi-Kashima bị quy trách nhiệm bao gồm cả các siêu động đất - sóng thần) Tohoku năm 2011, là thảm họa đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Thảm họa này mạnh 7,8 độ theo thang Mercalli, 9 độ theo thang đo riêng của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản và thang Moment của Mỹ và 9,1 độ theo thang Richter. Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử nước Nhật.

Khi một mảng kiến tạo trượt hoặc hút chìm bên dưới mảng khác, các đường nối rải rác trên bề mặt của nó sẽ cọ sát vào đáy của mảng bên trên. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2008 cho rằng ma sát này không đủ gây ra các chấn động mà Nhật Bản phải hứng chịu.

Nhưng dữ liệu mới cho thấy điều ngược lại.

Thông tin địa chấn thu thập được dưới đáy đại dương gần Nhật Bản cho thấy các núi lửa ngầm gặp phải lực cản rất lớn khi chúng cưỡi trên một mảng hút chìm, đôi khi còn bị mắc kẹt.

Lực ma sát mà riêng phần có núi lửa phải hứng chịu rất mạnh. Ứng suất tích tụ ở cạnh đầu của núi lửa theo thời gian, khi phần có núi lửa kẹt lại, các phần xung quanh lại tiếp tục di chuyển.

Sự tích tụ này không thể tiếp tục vô tận. Sẽ đến lúc ứng suất này đủ lớn để kéo trượt vật thể bị mắc kẹt vào trong.

Sức căng giải phóng đột ngột tạo nên một lực bùng nổ, làm rung chuyển các mảng kiến tạo đang chồng lên nhau, gây ra một loạt động đất mới.

Theo TS Lee, núi lửa này có thể là nguyên nhân của các trận động đất cổ xưa hơn, bao gồm trận động đất gây ra thảm họa sóng thần năm 1677 ở Nhật Bản.

Điều này sẽ còn tiếp tục vì các mảng kiến tạo vẫn di chuyển.

Các mảng kiến tạo có thể hiểu nôm na là các mảnh vỏ của Trái Đất, chúng liên tục di chuyển, trượt đè lên nhau, cõng theo các mảng đại dương và lục địa. Đó là lý do đất đai Trái Đất nhiều lần tập hợp thành siêu lục địa rồi lại phân rã.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.