Trong nhiều tháng vừa qua, giá bán của ổ đĩa thể rắn (SSD) trên thị trường PC được đánh giá là ‘chưa bao giờ rẻ đến vậy”, do nhu cầu của người dùng liên tục ở mức thấp so với nguồn cung. Trên thực tế, chỉ với khoảng trên dưới 100 USD, người dùng đã có thể mua được một mẫu ổ SSD có dung lượng lên tới 2 TB. Đây được một mức giá ‘hời’ nếu so với nhiều năm trước đó.

Theo trang Wccftech, xu hướng giảm giá trong phân khúc SSD bắt đầu khi nhu cầu của người tiêu dùng suy giảm kể từ đại dịch COVID-19, vốn đã khiến nhiều công ty sản xuất SSD thất thu. Đáng chú ý, 2023 chính là năm giá SSD giảm nhanh nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân đơn giản là do nguồn cung đã vượt xa nhu cầu của người dùng trong một thời gian dài, khiến việc giảm giá là cách thực tế duy nhất để thúc đẩy sức mua.

Biểu đồ giá của mẫu ổ SSD chuẩn M.2 NVME dung lượng 2TB từ thời điểm tháng 10/2021 đến tháng 3/2023. Có thể thể thấy giá bán của mẫu ổ này dã có sự giảm đáng kể qua thời gian. Nguồn: PCpartpicker

Tuy nhiên, thời kỳ ổ SSD giá rẻ có thể sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới, khi giá bán của loại ổ lữu trữ này được cho là có thể tăng giá trở lại - với mức tăng lên đến 55% vào năm 2024.

Đồng loạt đưa ra dự báo về dấu hiệu ổ SSD sắp tăng giá mạnh

Western Digital – một tên tuổi trong mảng thiết bị lưu trữ mới đây đã thông báo cho khách hàng của mình về mức tăng cực lớn – lên đến "55%" trong giá chip NAND. Sự tăng giá này sẽ được thực hiện dần dần trong các quý sắp tới. Mặc dù Western Digital chưa đề cập đến lý do đằng sau sự gia tăng này, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là cách để các nhà sản xuất thiết bị lưu trữ dữ liệu chống lại nhu cầu tiêu dùng đang suy giảm và lượng hàng tồn kho bị gián đoạn. Trong khi đó, các công ty như Samsung và SK Hynix đã thực hiện tăng giá các sản phẩm lưu trữ của mình, trong bối cảnh các công ty khác trong ngành cũng sớm theo bước.

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, đây sẽ là thời điểm hợp lý để người dùng thực hiện việc mua sắm ổ SSD, trước khi mẫu linh kiện lưu trữ này tăng giá ở thời điểm sắp tới của năm 2024

Trong bản báo cáo tình hình kinh doanh vào năm 2023, Phison - nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong mảng IC điều khiển cho ổ SSD, cũng ghi nhận xu hướng tăng giá bán ổ SSD của toàn ngành sản xuất thiết bị lưu trữ. Với Phison, công ty đã có thể đạt được doanh thu hợp nhất là 5,407 tỷ Đài tệ, đánh dấu mức tăng gần 5% hàng tháng – mức tăng trưởng khá lớn đối với hãng. Phison cũng tiết lộ tổng số lô hàng chip điều khiển cho ổ SSD của hãng này được xuất xưởng đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chắc chắn chắn là một con số lớn vì ngành SSD đã không nhận được một tin tốt nào trong một thời gian dài.

Trước đó, theo tiết lộ của Phison, tình trạng thiếu nguyên liệu cần thiết để sản xuất bộ nhớ NAND cũng là một yếu tố tác động khiến giá ổ SSD tăng nhanh. Ở đây, NAND là thành phần quan trọng quyết định dung lượng lưu trữ cho ổ. Số lượng lớp bộ nhớ cũng như mật độ bit dữ liệu trên mỗi ô nhớ (hay bóng bán dẫn) sẽ quyết định ổ SSD có dung lượng bao nhiêu. Điều này đặc biệt quan trọng trên các mẫu ổ SSD chuẩn M2, vốn có kích thước khá nhỏ gọn, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải ‘nhồi nhét’ được thật nhiều lớp bộ nhớ và ô nhớ. Nói một cách ngắn gọn, ổ SSD sẽ không thể ‘ra lò’ nếu thiếu NAND.

Hiện tại, Phison đang phải trả trước cho các nhà cung cấp chip của mình để đảm bảo nguồn cung chip NAND trong bối cảnh công ty này dự đoán tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra. Bản thân việc trả trước này có thể sẽ làm tăng chi phí cho chip NAND, vô hình trung khiến giá SSD tăng vọt đáng kể trong tương lai.

Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng cắt giảm sản lượng sản xuất để giảm bớt cán cân cung – cầu, nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu sắp xảy ra có thể buộc nguồn cung bị hạn chế hơn nữa. Tuy nhiên, ngay cả trước khi tình trạng thiếu hụt này diễn ra, thị trường SSD đã cảm nhận được tác động của động thái giải phóng bớt hàng tồn kho và cắt giảm sản xuất của nhiều nhà sản xuất. Giá bán SSD hiện đã ổn định và thậm chí còn tăng nhẹ. Nhiều ổ SSD từng trở nên phổ biến vì giá bán quá rẻ (như P41 Plus 1TB của Solidigm) hiện rất khó để tìm mua — chưa kể đến giá bán cũng không còn quá thấp như trước.

Cũng phải nói thêm, đây có thể coi là tin tốt cho các nhà sản xuất các linh kiện như NAND, những người đang phải đổ tiền để duy trì dây chuyền sản xuất khi nguồn cung lại dư thừa. Vào tháng 5, Phison cảnh báo rằng giá NAND thấp có thể gây ra tình trạng phá sản khi các nhà sản xuất lớn nhất đã thua lỗ hàng tỷ USD. Tuy nhiên, khi giá bán SSD đang bị đẩy lên cao do thiếu nguồn cung, cuộc khủng hoảng bộ nhớ NAND dường như sắp kết thúc.

Đam mê và yêu thích công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Nếu mọi người thấy hay hãy chia sẻ bài viết của mình tới cộng đồng nhé.